Trong những năm vừa qua, công tác tuyên truyền, vận động luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị- xã hội quan tâm và triển khai thực hiện thường xuyên trên cả chiều rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm mục tiêu làm cho cán bộ, nhân dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền thông qua các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, họp thôn, tổ, sinh hoạt của các chi hội, tuyên truyền miệng, qua hệ thống truyền thanh cơ sở, hệ thống panô, áp phích, hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, qua khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật cơ sở, các buổi tọa đàm, tuyên truyền lưu động... góp phần làm cho người dân nhận thức rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng.
Hàng năm, tại các địa phương trên cả nước đều tổ chức trên các cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với quy mô lớn, tập trung vào các văn bản pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống người dân như: Bộ luật Dân sự, Luật An toàn giao thông, Luật Phòng, chống ma tuý,... thực hiện tổ chức hội nghị triển khai các văn bản pháp luật mới ban hành và các văn bản pháp luật hiện hành có phạm vi áp dụng rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Bên cạnh đó, việc xây dựng tủ sách pháp luật để cán bộ, công chức và người dân tiếp cận những văn bản pháp luật mới ban hành, tìm hiểu nghiên cứu pháp luật được phát huy khá hiệu quả.
Việc thực hiện nếp sống văn minh, đời sống văn hóa nếu được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và càng ngày càng lan tỏa, thực hiện đều khắp trong cộng đồng sẽ hướng xã hội đi vào trật tự, kỷ cương, tiến bộ, văn minh, lấn át những cái xấu, cái ác, cái chưa tốt, hạn chế để đi đến xóa bỏ tệ nạn xã hội, tạo nên đời sống tinh thần tốt đẹp bền vững, tạo sự chuyển biến, đồng thuận từ nhận thức đến hành động, để mỗi một người dân tự giác góp phần xây dựng giá trị đích thực của nếp sống văn minh, đời sống văn hóa trên mỗi địa bàn.
Bằng nhiều hình thức phong phú, tuyên truyền giáo dục làm chuyển biến nhận thức trong toàn xã hội, trước hết trong các cấp ủy đảng, đảng viên, cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ các đoàn thể quần chúng về tầm quan trọng, sự cần thiết, cấp bách của sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, về trách nhiệm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ văn hóa trong thế kỷ mới. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phải gắn với quản lý xã hội bằng pháp luật, phát huy sức mạnh dư luận xã hội, gắn với các phong trào hành động của quần chúng, bao gồm các phong trào hiện có như: người tốt việc tốt, Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp ngĩa, Xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã, phường văn hóa, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở các khu dân cư… và toàn bộ các phong trào đó đều hướng vào cuộc thi đua yêu nước “tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.
Để đạt được hiệu quả tối đa trong công tác tuyên truyền, vận động, vai trò của người cán bộ tuyên truyền là vô cùng quan trọng. Một người cán bộ giỏi, có năng lực tốt sẽ truyền tải được đúng nội dung một cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Bởi vậy, việc đào tạo cán bộ cần được quan tâm chú trọng triệt để. Các Ban, ngành, đoàn thể cần tổ chức thường xuyên hơn các lớp tập huấn cán bộ, tổ chức các hội thi cán bộ tuyên truyền giỏi để đánh giá được đúng năng lực và kịp thời động viên những cán bộ có năng lực tốt, đạt thành tích cao trong công tác tuyên truyền.
Thông qua các cuộc vận động nói trên, người dân đã có những nhận thức đầy đủ và tích cực hơn trong việc thực hiện pháp luật và các chính sách của Đảng và nhà nước. Phong trào TDĐKXDĐSVH được phát huy mạnh mẽ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh trên khắp các địa phương cả nước.