Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.092.933
Truy cập hiện tại 151
Điện ảnh tìm cơ hội trong thách thức
Ngày cập nhật 22/09/2020

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành điện ảnh nói chung và khâu sản xuất, phát hành phim nói riêng đang phải đối mặt cuộc khủng hoảng lớn. Hàng loạt dự án phim hoãn bấm máy, nhiều bộ phim đã hoàn thành nhưng không thể ra rạp, doanh thu phòng vé toàn quốc giảm mạnh... Tuy nhiên, những khó khăn cũng là thách thức để giới làm phim thể hiện năng lực, bản lĩnh, đồng thời trau chuốt thêm về nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh khâu phát hành trên nền tảng trực tuyến.

Phim Lật mặt 5 bị hoãn chiếu đến mùa phim Tết năm 2021.

Khó mọi mặt

Vừa qua, hàng loạt dự án phim điện ảnh thông báo hoãn chiếu do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Trong tháng 8, hai dự án phim Tiệc trăng máu (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) và Chồng người ta (đạo diễn Nguyễn Hữu Tiến) đã phải hoãn chiếu, đạo diễn - nhà sản xuất Lý Hải cũng công bố phim Lật mặt 5 sẽ dời lịch chiếu đến Tết Tân Sửu 2021. Ngoài lượng lớn phim chờ ra rạp, còn khá nhiều dự án đang quay hoặc đã quay xong nhưng tiến độ chậm do điều kiện công việc đặc thù không đáp ứng được giãn cách xã hội hoặc thiếu nhân sự, trong đó có các nhân sự người nước ngoài.

Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh (Công ty phim TNA) cho biết, tùy vào từng giai đoạn của dự án mà nhà sản xuất sẽ gặp những khó khăn khác nhau. Nếu đang ở giai đoạn tiền kỳ, nhiều nhà đầu tư trước đó quyết định đầu tư thì sẽ rút hoặc giảm kinh phí. Còn phim đang quay thì gián đoạn, phải thỏa thuận lại rất nhiều điều khoản với nhà đầu tư, nhà tài trợ và các nhân sự. Đối với phim chờ công chiếu mà phải hoãn thì sẽ chịu thiệt hại lớn về doanh thu. Ở thời điểm hiện tại, dù các rạp phim vẫn mở cửa và áp dụng biện pháp phòng dịch nhưng lượng khách rất thưa vắng vì tâm lý không muốn đến nơi công cộng và phần vì nguồn phim ít. Trong khi các dự án phim Việt Nam hầu hết đều hoãn thì phim “bom tấn” của Hollywood cũng dời lịch chiếu đến cuối năm nay và năm sau. Ông Vũ Đức Lương, quản lý rạp CGV khu vực miền bắc cho biết, từ kinh nghiệm đợt dịch trước, CGV đã giảm công suất phục vụ xuống khoảng 50%, giãn cách các suất chiếu, song một số cụm rạp vắng khách vẫn phải đóng cửa tạm thời. Theo thống kê của CGV, trong những tháng cao điểm của dịch bệnh như tháng 3-2020, lượng vé bán ra đạt khoảng một triệu vé, bằng 20% tổng lượng vé, doanh thu giảm khoảng 500 tỷ đồng mỗi tháng so cùng kỳ năm ngoái. Các đơn vị phát hành phim đang phải chịu nhiều khoản chi phí cố định như tiền lương, tiền thuê mặt bằng, ngoài ra, vẫn phải bảo đảm mọi điều kiện để sẵn sàng phục vụ khán giả khi điều kiện xã hội ổn định.

Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan nhận định, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước thì nhiều rạp chiếu phim, các hãng phim sẽ phá sản dẫn đến vấn đề nghiêm trọng sau dịch là thị trường chiếu phim, phát hành phim sẽ chỉ có doanh nghiệp nước ngoài, ảnh hưởng đến ổn định văn hóa - xã hội và chiến lược của đất nước trong nhiệm vụ bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc... Mới đây Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ xem xét, có thêm các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh rạp chiếu phim, sản xuất và phát hành phim. Theo đó, Hiệp hội đề nghị Chính phủ miễn thuế VAT và hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân năm 2020 đối với các doanh nghiệp này để có thêm nguồn thu, bù lại những tổn thất, chi phí cố định vẫn phải duy trì khi doanh thu ở mức thấp hoặc không có.

Tìm cách đổi mới và bứt phá

Giới chuyên môn cho rằng, khó khăn thách thức cũng là dịp để ngành điện ảnh thay đổi, bứt phá. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ, đây chính là thời điểm để các đoàn làm phim có thời gian trau chuốt kịch bản, hậu kỳ, nâng cao chất lượng cho tác phẩm, đồng thời đẩy mạnh phát hành trên các nền tảng trực tuyến. Xu hướng và cách thức giải trí của khán giả đang thay đổi và ngành điện ảnh cũng cần nắm bắt, tiếp cận nhu cầu ấy để chọn hướng phát hành phù hợp. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp tư nhân kinh doanh ở lĩnh vực điện ảnh đang củng cố lại các khâu: nhân lực, khách hàng, đầu tư... Để thích nghi với tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó xác định thời điểm kết thúc, một số đơn vị đã lên kế hoạch chuyển sang sản xuất phim chiếu online. Đây là hướng đi chung của cả nền điện ảnh thế giới. Các rạp chiếu phim toàn quốc cũng đang có những biện pháp khắc phục thiệt hại như làm việc với các chủ đầu tư cho thuê mặt bằng để thảo luận việc miễn giảm chi phí, dự định chiếu lại những bộ phim “bom tấn” trước đây và đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến chương trình thành viên để kích cầu khán giả quay trở lại rạp sau dịch bệnh.

Điện ảnh Việt Nam đang trên lộ trình hình thành nền công nghiệp, bởi cơ hội để phim Việt Nam lấy lại thị trường mới chỉ bắt đầu mấy năm gần đây; quy mô nền điện ảnh còn hạn chế so với dân số, tiềm năng và so với các nước trong khu vực. Ảnh hưởng từ dịch bệnh là thực tế khiến các dự án gián đoạn, doanh thu giảm mạnh nhưng còn một lý do quan trọng nữa là chất lượng điện ảnh chưa cao. Năm 2019 được xem là bội thu với phim Việt Nam nhưng điểm ra chỉ có vài bộ phim đạt doanh thu hơn 100 tỷ đồng gồm: Hai Phượng, Gái già lắm chiêu 3... Thời điểm Việt Nam không có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, một số phim đã ra mắt khán giả nhưng phần lớn là thất bại. Ngay cả các bộ phim thuộc thể loại trinh thám, võ thuật được quảng cáo rầm rộ như: Bằng chứng vô hình, Đỉnh mù sương cũng chưa thu hút khán giả. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh phát hành phim trực tuyến cũng chưa được các nhà sản xuất quan tâm đúng mức. Khi truy cập các trang ứng dụng, khán giả chưa hài lòng bởi số lượng phim Việt Nam còn ít, chủ yếu là phim cũ. Trong mấy tháng gần đây, nhiều trang chuyên biệt về phim vẫn chỉ chiếu online những phim trước đó đã chiếu rạp như: Trạng Quỳnh, Siêu sao siêu ngố, Mẹ chồng, Sài Gòn - Anh yêu em, Sắc đẹp ngàn cân, Ngôi nhà bươm bướm, Hạnh phúc của mẹ, Hai Phượng, Trúng số, Chung cư ma, Để Mai tính... Thực trạng này có thể do các đơn vị sản xuất và phát hành chưa đạt được những thỏa thuận cần thiết, trong đó có cả yêu cầu khắt khe là phim phải được sản xuất theo chất lượng âm thanh, hình ảnh đúng chuẩn, phù hợp ứng dụng… song cũng bộc lộ sự chậm trễ, thiếu chuyên nghiệp. Các chuyên gia điện ảnh cho rằng, bên cạnh khó khăn chung, đây chính là thời điểm mang tính quyết định, đòi hỏi các nhà làm phim phải thật sự nghiêm túc, đam mê thì mới khẳng định được vị trí của mình trong ngành điện ảnh và không chịu hậu quả của quy luật đào thải.

Theo nhandan.com.vn (MH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.