Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.120.937
Truy cập hiện tại 246
Những thước phim về Ngày độc lập
Ngày cập nhật 28/08/2020

Cách mạng tháng Tám năm 1945, một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, là đề tài thu hút nhiều nhà làm phim. Những tác phẩm về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 không chỉ làm sống lại một thời vinh quang, hào hùng của dân tộc mà còn là nguồn sử liệu vô giá cho thế hệ sau. Với những tác phẩm kinh điển trong giai đoạn này đã cho chúng ta những góc nhìn về những năm tháng không thể nào quên của dân tộc.

Những năm tháng hào hùng của dân tộc đã qua đi,  những thế hệ sinh ra trong thời bình, có thể cảm nhận được phần nào không khí quyết chiến, kết đoàn của cả dân tộc, làm nên những chiến thắng vĩ đại qua những thước phim truyện và phim tài liệu. Một trong những dấu mốc lớn chính là mùa Thu lịch sử năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; mở đầu cho thời kì suy sụp của chủ nghĩa thực dân cũ; cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa trên toàn thế giới.
Những tác phẩm điện ảnh về giai đoạn này không thể không kể đến tác phẩm kinh điển Sao tháng Tám của đạo diễn Trần Đắc, phim Ngày độc lập 2/9/1945 của NSND Phạm Kỳ Nam. Tác phẩm “Sao Tháng Tám” được đánh giá là bộ phim thành công nhất về Cách mạng tháng Tám (1945) tính đến thời điểm hiện tại. Bộ phim của cố đạo diễn, NSND Trần Ðắc - Giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 năm 1977 - cũng là một trong những tác phẩm về chiến tranh có sức sống mãnh liệt nhất của điện ảnh Việt Nam. Sau hơn 40 năm, bộ phim vẫn thể hiện sức sống trường tồn cùng lịch sử.
Đến thời điểm hiện tại, có lẽ chưa có bộ phim nào phản ánh thành công những ngày sôi sục trước cách mạng tháng Tám năm 1945 và nạn đói kinh hoàng năm ấy như “Sao Tháng Tám”. Bộ phim giúp khán giả hiểu được cuộc sống lầm than của dân ta mà không trang viết nào tái hiện chân thực bằng. Bộ phim được quay ở thời điểm nước ta mới thống nhất vào năm 1975-1976 nên bối cảnh phim rất chân thực.
Những cảnh đời ai oán, xác xơ vì nạn đói, những dòng người dâng lên như nước lũ tràn đê, chưa có bộ phim nào phản ánh thành công những ngày sôi sục trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 và nạn đói kinh hoàng năm ấy như Sao Tháng Tám của đạo điễn Trần Đắc.
“Sao Tháng Tám” đủ sức gợi và làm nên một chương lịch sử phim ảnh của thời đại, vang vọng mãi trong nền điện ảnh Việt Nam, một bước phát triển mạnh mẽ trong làng điện ảnh của nhà làm phim cùng những diễn viên trong bộ phim của ngày ấy, để đến nay trước sự phát triển vượt bậc của môn nghệ thuật thứ bảy khi nói đến đề tài cách mạng, “Sao Tháng Tám” vẫn là bộ phim không thể nào thay thế được.
Bộ phim thứ hai ghi dấu ấn là phim tài liệu “Ngày Độc lập 2/9/1945” do NSND Phạm Kỳ Nam đạo diễn - ra đời năm 1975, đúng 30 năm sau ngày lễ thiêng liêng diễn ra trên Quảng trường Ba Đình, đánh dấu ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 
Hình ảnh thời khắc lịch sử khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập do một người bạn Pháp trao tặng Việt Nam, xuất hiện trong bộ phim tài liệu đen trắng đầu tiên về Ngày Độc lập 1945 của đạo diễn Phạm Kỳ Nam được công chiếu vào ngày 2/9/1975, đã khiến hàng triệu người dân Việt Nam ngỡ ngàng, xúc động và tự hào.
Những thước phim đen trắng làm người xem xúc động với hình ảnh những đoàn người nô nức kéo về Quảng trường Ba Đình, nắm tay vung cao và hát vang bài “Diệt phát xít”, cùng lời tuyên thệ Độc lập của quốc dân vang dội cả quảng trường... Ít ai biết rằng, chỉ trước đó một năm, vào năm 1974, trong một chuyến sang Pháp để thực hiện bộ phim tài liệu về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo diễn Phạm Kỳ Nam mới được tiếp cận với những thước phim lần đầu tiên. Khi có được những thước phim tư liệu quý giá này, đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã tổ chức biên tập, dựng lại, viết lời bình... để một thời gian ngắn sau, bộ phim đến được với khán giả, giúp cho hàng triệu người Việt Nam được thấy, được cảm nhận, được sống trong không khí oai hùng và không thể quên trong Ngày Độc lập.
Phim tài liệu “Dấu ấn Bản Tuyên ngôn” được thể hiện như một cuốn sách mà nếu đọc từ đầu tới trang cuối, khán giả sẽ hiểu sâu sắc ý nghĩa lớn lao mang tính lịch sử và giá trị thời đại, tầm cỡ quốc tế của Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945. Phim tài liệu “Dấu ấn Bản Tuyên ngôn” là một góc nhìn mới về Bản Tuyên ngôn độc lập quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Phim có sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ, được ghi hình ở trong nước và Venezuela - nơi người dân đặc biệt tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng cách mạng, bài học có giá trị thời đại của Người...
Trên sóng truyền hình, câu chuyện về ngày độc lập cũng được xây dựng gần gũi, sống động. Đó là lễ chào cờ độc lập đầu tiên đầy thiêng liêng của đồng bào vùng cao nơi địa đầu Tổ quốc trong phim Huyền thoại Mường trời do nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chắp bút.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - biểu tượng vĩ đại của tinh thần đấu tranh vì độc lập, tự do được khắc họa trong nhiều tác phẩm qua những góc nhìn khác nhau. Một thầy giáo yêu nước Nguyễn Tất Thành mang trong mình hoài bão lớn trong Nhìn ra biển cả, một nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc giai đoạn 1928 - 1929 tại Thái Lan trong Thầu Chín ở Xiêm hay chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh những năm tháng chiến khu trong Nhà tiên tri.
Tầm vóc, ảnh hưởng của người chiến sĩ cộng sản vĩ đại với các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới được nêu bật trong phim tài liệu Hồ Chí Minh - Bài ca tự do. Là hành trình theo chân phóng viên đến châu Âu, châu Phi và châu Mỹ La tinh để tìm hiểu ảnh hưởng của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với các dân tộc thuộc địa, phim tài liệu Hồ Chí Minh – Bài ca tự do được xây dựng trên mạch cảm xúc là các bài hát quốc tế nổi tiếng hát về Người. Đó là những ca khúc mà tác giả hầu hết cũng là các chiến sĩ cách mạng yêu chuộng hòa bình của thế giới. Khán giả truyền hình được nghe những giai điệu quen thuộc của The ballad of Ho Chi Minh (tác giả: Ewan Maccoll), Quyền sống trong hòa bình (tác giả: Victore Hara) cùng nhiều ca khúc quốc tế khác được lấy cảm hứng từ tư tưởng tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài sức lan tỏa mãnh liệt của tư tưởng Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Bài ca tự do còn cho khán giả thấy được những tình cảm đặc biệt mà nhân dân quốc tế dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Thời gian đã lùi xa nhưng tầm vóc ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng. Đó là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, một dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, Điện ảnh Việt Nam, mà trong đó  những tác phẩm về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 được kể lại qua những thước phim đã để lại những dấu ấn quan trọng tái hiện lại những thời khắc lịch sử để những thế hệ hôm nay và mai sau được “sống cùng lịch sử”, là nguồn sử liệu vô giá trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho hôm nay và mai sau.
Hằng Nguyễn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.