CLB Giám đốc Trung tâm Văn hóa 6 tỉnh Bắc miền Trung được thành lập với mục đích tạo ra một diễn đàn để lãnh đạo và cán bộ của các Trung tâm Văn hóa trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến kinh nghiệm công tác; liên kết, giao lưu trong nội khối, tăng cường trách nhiệm và gắn kết tình cảm; Một chặng đường đã đi qua, với vai trò là đơn vị chủ lực của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; Trung tâm Văn hóa 6 tỉnh Bắc miền Trung đã nghiên cứu, thử nghiệm, xây dựng các hoạt động mẫu, xây dựng các mô hình, tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng, thông tin tuyên truyền, cổ động, triển lãm, hướng dẫn hoạt động văn hóa văn nghệ ở cơ sở, tổ chức các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ VHTT cơ sở, bồi dưỡng phương pháp công tác... Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, điều kiện địa lý, nhưng bằng tình yêu nghề, với vai trò là thủ lĩnh tiên phong, là những chiến sỹ văn hóa có chuyên môn nghiệp vụ giỏi, thật sự có tâm, có tầm và có tài, tập thể lãnh đạo và cán bộ viên chức của các Trung tâm Văn hóa đã không ngững nỗ lực sáng tạo, nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân, làm cho môi trường văn hóa các tỉnh trong khu vực ngày càng lành mạnh, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực.
Hội nghị Giao ban CLB Giám đốc Trung tâm Văn hóa khu vực Bắc miền Trung
Trong thời gian qua, hoạt động văn hóa cơ sở của Trung tâm Văn hóa 6 tỉnh Bắc miền Trung đã để lại những dấu ấn đậm nét, dâng cho đời những hoa thơm trái ngọt trên cánh đồng văn hóa, thông tin. Có thể ví các Trung tâm Văn hóa tỉnh như những con tằm cần mẫn nhả tơ, dệt nên bức tranh đẹp, lung linh sắc màu trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, bằng việc tổ chức thành công các hoạt động nghiệp vụ về văn hóa văn nghệ, thông tin tuyên truyền cổ động triển lãm, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới như: Chương trình nghệ thuật “Những bài ca đi cùng năm tháng”, Triển lãm “Biên giới và Biển đảo Việt Nam”, “Hội nghị về thực trạng và giải pháp tổ chức hoạt động của các Trung tâm Văn hóa, Nhà văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” của Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghệ An tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh “Liên hoan Tiếng hát Làng Sen”; Thanh Hóa tổ chức thành công “Cuộc thi sáng tác kịch ngắn - Kịch vui Thanh Hóa 2013”; Hà tĩnh tổ chức triển lãm “Trường Sa - Hoàng Sa những bằng chứng lịch sử”... Ngoài ra, Trung tâm Văn hóa các tỉnh còn tổ chức hàng chục đợt tập huấn nghiệp vụ cho cơ sở nâng cao kỹ năng hoạt động văn hóa, tổ chức lễ hội, các lớp bồi dưỡng hạt nhân phong trào, sáng tác hàng trăm mẫu trang cổ động, tài liệu, đĩa VCD, CD, bản tin, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ phục vụ cho công tác tuyên truyền, triển khai các đề tài nghiên cứu hoa học, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về các vấn đề xã hội ...Không thể kể hết được những thành tích mà các Trung tâm Văn hóa đã đạt được, nhưng động mãi trong lòng nhân dân các dân tộc của các tỉnh trong khu vực là thành quả về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng làng, bản, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị văn hóa.
Cùng với việc chỉ đạo và hoạt động mẫu, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về văn hóa cơ sơ, cán bộ và viên chức của các Trung tâm Văn hóa đã nhiệt tình, nhiệt tâm, không ngại khó, lăn lộn tới các làng, bản ở tận các vùng non cao, xuống đến các bãi ngang biển đảo để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những thành tích và kết quả mà Trung tâm Văn hóa 6 tỉnh Bắc miền Trung đã xây dựng, phát triển đã để lại dấu ấn đậm nét trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và luôn là người nhen nhóm, giữ lửa cho sự nghiệp văn hóa - thông tin ở cơ sở luôn nồng nàn ấm áp, thấm đẫm chất nhân văn và ngày càng cháy sáng, lan tỏa. Tuy nhiên, trước sự đỏi hỏi của quá trình đổi mới và trước xu thế toàn cầu hóa, Trung tâm Văn hóa 6 tỉnh Bắc miền Trung phải không ngừng nỗ lực, tìm kiếm và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở, đó là:
1. Xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của công việc, cần phải xác định nhân tố con người là tài sản lớn nhất, là “chìa khóa thành công” tạo bước đột phá. Hiện nay, một số Trung tân Văn hóa đang thiếu đội ngũ cán bộ cốt cán trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ giỏi trong khi nhiều cán bộ đảm đương các vị trí quan trọng, tâm huyết, yêu nghề đã đến tuổi nghỉ hưu.
2. Triển khai có hiệu quả công tác chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho hệ thống Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa cấp huyện, xã ...
3. Bám sát chủ trương, nhiệm vụ của từng tỉnh, quan tâm, đổi mới phương pháp, sáng tạo, khởi xướng các hoạt động mới tùy từng điều kiện, thời điểm, trình độ dân trí để xây dựng các chương trình kế hoạch, phát huy bản sắc, sắc thái riêng của mỗi tỉnh với lợi thế có 3 vùng văn hóa: Xứ Thanh, Xứ Nghệ và văn hóa Huế, có ba di sản. Đây chính là nền móng, bệ phóng xây dựng nội dung chương trình hoạt động của từng tỉnh và hoạt động chung, hoạt động liên kết phối hợp để tạo nên sự khác biệt cần được khai thác phát huy tối đa.
4. Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội nghị giao ban nghiệp vụ CLB Giám đốc Trung tâm Văn hóa 6 tỉnh Bắc miền Trung nhằm tào ra một diễn đàn không chỉ dừng lại ở mục đích là trao đổi nghiệp vụ, giao lưu, gắn kết tình cảm mà cần phải tổ chức khoa học, nghiên cứu thể nghiệm những hoạt động mới để mỗi địa phương về triển khai, áp dụng thực hiện.
Tự hào về những kết quả đạt được, tập thể lãnh đạo và cán bộ viên chức 6 tỉnh Bắc miền Trung tiếp tục quán triệt và thấm sâu lời dạy của Chủ tịch Mồ Chí Minh, xứng đáng là Người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.