Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.630.105
Truy cập hiện tại 97
ĐIỆN ẢNH CÁCH MẠNG VIỆT NAM - 70 NĂM NHÌN LẠI
Ngày cập nhật 15/03/2023

       Cách đây 70 năm, ngày 15/3/1953, tại khu Đồi Cọ thuộc bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 147/SL thành lập "Doanh nghiệp Quốc gia chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam", đặt nền móng cho sự phát triển của hai ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam ra đời. Từ năm 2010, ngày 15/3 chính thức trở thành ngày Điện ảnh Việt Nam. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, Điện ảnh nước ta đã từng bước phát triển, đạt nhiều thành tựu lớn, được nhân dân yêu mến, đón nhận.

       Những thước phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam đã ra đời từ những năm 1946, 1947 bởi các nhà hoạt động điện ảnh tại Bưng Biền Nam Bộ và chiến khu Việt Bắc. Đó là những thước phim tài liệu chân thực, sống động về cuộc chiến đấu chống Pháp vô cùng anh dũng của nhân dân ta mà ngày nay đã trở thành bằng chứng lịch sử vô giá. Hiếm có nền điện ảnh nào trên thế giới có thể bám sát từng bước đi, thậm chí ở trong lòng các sự kiện của dân tộc như vậy. Ngay từ những năm đầu tiên sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã sớm chăm lo đến điện ảnh, từ sản xuất đến phát hành phim và chiếu bóng. Trong bộn bề công việc, bộ phận Điện - Nhiếp ảnh đã được hình thành và là một bộ phận trong Nha thông tin tuyên truyền. Trong hoàn cảnh đó, Đội chiếu bóng số 1 đã được thành lập, hoạt động tại địa bàn từ chiến khu Việt Bắc đến tận Phú Yên, Nam Trung Bộ, từ mùa thu đông năm 1946. Ngay sau khi được thành lập, cùng với việc tiến cử các đoàn chiếu bóng lưu động đi phục vụ đồng bào và bộ đội, chủ trương bán vé xem phim, lấy thu bù chi, nhằm giảm dần kinh phí do Nhà nước cấp, hỗ trợ thêm cho sản xuất phim, tạo điều kiện phát triển ngành, là một chủ trương đúng đắn, phù hợp cho đến ngày nay. Do đó, cơ sở sản xuất phim, ngành Phát hành phim và Chiếu bóng có sự phát triển ngày càng nhanh, chuyên môn nghiệp vụ bắt đầu hình thành.

       Trong những năm tháng chiến tranh, sinh hoạt điện ảnh trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống, chiến đấu của quân và dân ta. Mỗi bộ phim ra đời đều được chào đón nồng nhiệt, là nguồn động viên to lớn, giúp quân và dân ta vượt qua những gian nan, hiểm nguy. Những thước phim ra đời trong khói lửa chiến tranh không chỉ là những tác phẩm hào hùng, sống động mà còn là những tác phẩm chuẩn mực về nghề nghiệp để các thế hệ sau học tập. Để có những thước phim quý giá đó, những nhà hoạt động điện ảnh đã không tiếc công sức, máu xương, gần 300 người con ưu tú của điện ảnh cách mạng đã ngã xuống trên khắp các chiến trường để làm nên những thước phim tài liệu, điện ảnh ghi danh mãi mãi vào lịch sử. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ngành Phát hành phim và Chiếu bóng Việt Nam đã có 23 đoàn chiếu bóng lưu động, tỏa đi chiếu phục vụ tiếp quản, chuyển quân, tiếp thu các rạp chiếu bóng. Riêng năm 1954, chiếu bóng Quốc doanh ở miền Bắc đã chiếu hơn 6000 buổi, phục vụ 15,2 triệu lượt người xem. Phương thức kinh doanh song song với phục vụ, đã có kinh phí trang trải cho hoạt động của mình. Từ cuối năm 1954, hoạt động Phát hành phim và Chiếu bóng chuyển hướng vào nhiệm vụ mới đó là phục vụ xây dựng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Giai đoạn này, Chiếu bóng phát triển rất nhanh. Năm 1955 có 37 Rạp ở miền Bắc và 37 đội lưu động hoạt động thường xuyên, phục vụ hơn 21 triệu lượt người xem và là năm đầu tiên doanh thu có lãi. Song không phải lúc nào Chiếu bóng cũng doanh thu. Các buổi chiếu ở “Khu vực 300 ngày”, vận động đồng bào chống cưỡng ép di cư vào Nam, phục vụ bộ đội tập kết ra Bắc, tuyên truyền khoa học kỹ thuật, thời sự tài liệu… không thu tiền, đã khẳng định vị trí của ngành Điện ảnh xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, trong niềm vui lớn lao của cả nước, nhiệm vụ của Ngành Phát hành phim và Chiếu bóng có nhiều sự thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Những đơn vị chiếu bóng Giải phóng, những Rạp ở đô thị miền Nam, những đơn vị mới được thành lập, bổ sung…đã đưa tổng số đơn vị chiếu bóng ở miền Nam lên gần 450, cùng với hơn 500 đơn vị Chiếu bóng quốc doanh và sự nghiệp ở miền Bắc, đòi hỏi Ngành Điện ảnh Việt Nam phải gấp rút có hàng vạn bản phim các thể loại, cung ứng cho mạng lưới Chiếu bóng Cách mạng, góp phần quét sạch tàn sư những xuất bản phẩm nô dịch, phản động của chế độ cũ, xây dựng đời sống văn hóa mới vui tươi, lành mạnh hơn.

       Có thể nói, trong những năm đầu của công cuộc đổi mới, cũng như các ngành kinh tế xã hội khác, ngành Phát hành phim và Chiếu bóng, trong đó có điện ảnh Thừa Thiên Huế gặp không ít khó khăn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo của Bộ VH&TT, các ngành các cấp, sự hợp tác giữa các đơn vị trong ngành và tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân của những cán bộ phục vụ trong ngành, điện ảnh đã từng bước vượt qua mọi khó khăn, trở ngại và có những bước đi vững vàng. 70 năm qua, điện ảnh cách mạng Việt Nam luôn bám sát mọi bước đi, thậm chí trong lòng mọi sự kiện lịch sử của dân tộc. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau với những thành tựu quan trọng, điện ảnh Việt Nam đã có sự đổi mới rõ rệt về thể loại và xu hướng làm phim. Từ đây, rất cần sự đồng lòng, chung sức của các thế hệ nghệ sĩ, phấn đấu cho phim Việt Nam, điện ảnh Việt Nam ngày một phát triển, hài hòa giữa các dòng phim truyền thống - cách mạng, nghệ thuật và giải trí.

        Hòa trong dòng chảy của điện ảnh cách mạng Việt Nam, ngành điện ảnh Thừa Thiên Huế đã được hình thành và phát triển. Trải qua nhiều lần chuyển giao mô hình quản lý hoạt động cùng nhiều tên gọi khác nhau, điện ảnh Thừa Thiên Huế đã đóng góp những thành quả đáng tự hào cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật tỉnh nhà, thực hiện tốt chủ trương đưa văn hóa về với cơ sở, trong đó chú trọng công tác chiếu phim lưu động. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, điều kiện nào, các Đơn vị chiếu phim lưu động cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho. Trong giai đoạn hiện nay, khi phim ảnh tràn ngập trên Internet và mạng xã hội, từng thước phim nvaanx theo chân những cán bộ chiếu phim lưu động đi đến từng thôn xóm, bản làng, mang ánh sáng văn hóa của Đảng, Nhà nước, sưởi ấm niềm tin cho đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa; từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của nhân dân, phục vụ công tác tuyên truyền bảo vệ biển đảo, tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền phục vụ các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội của đất nước, quê hương, góp phần đẩy lùi những hủ tục, tập quán lạc hậu, khơi dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương. Sự hợp nhất giữa Trung tâm Văn hóa Thông tin và Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng thành Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã đưa đến nhiều bước chuyển mình trong hoạt động điện ảnh, để lại dấu ấn trên chặng đường phát triển 70 năm của điện ảnh Thừa Thiên Huế. Phát huy sức mạnh tập thể sau khi hợp nhất, đơn vị đã tập trung xây dựng một đội ngũ ưu tú, trang bị phương tiện thiết bị đầy đủ, nguồn phim tốt, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác chiếu phim lưu động. Mỗi năm, 04 đơn vị chiếu phim lưu động phục vụ từ 480 - 550 buổi chiếu, với gần 200.000 lượt người xem, tập trung chủ yếu ở 02 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông với hàng trăm buổi chiếu phim, tại 46 xã miền núi, 45 xã đặc biệt khó khăn và 20 xã vùng sâu, vùng xa, các đơn vị luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt và vượt kế hoạch giao, đảm bảo số lượng, chất lượng các buổi chiếu. Sự phấn khởi, đón nhận nhiệt tình của bà con đã cho thấy công tác chiếu phim lưu động có hiệu quả tuyên truyền rất lớn. Rạp Đông Ba cũng được chỉnh trang, sửa chữa, thường xuyên tổ chức tốt các tuần phim phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước, quê hương…Đặc biệt, năm 2021, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã vinh dự phối hợp tổ chức thành công Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII diễn ra tại Huế. Cũng trong năm đó, đơn vị được UBND tỉnh tặng 02 Bằng khen trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid 19 và tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, được Bộ VHTT&DL nhiều lần tặng Bằng khen và năm 2021 tặng cờ xuất sắc cho Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua trong lĩnh vực điện ảnh của cả nước. Trong hành trình 70 năm của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam phục vụ nhân dân, Điện ảnh nói chung và điện ảnh Thừa Thiên Huế dẫu trải qua bao thăng trầm với những thuận lợi và khó khăn, gian nan, vất vả nhưng đội ngũ các thế hệ công tác trong lĩnh vực điện ảnh vẫn luôn tự hào với nhiệm vụ cao cả của mình, cố gắng vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của người chiến sĩ văn hóa phục vụ nhân dân; phần thưởng lớn nhất mà mỗi chúng ta nhận được là sự hưởng ứng nhiệt tình, yêu mến của nhân dân, đặc biệt là những chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân…

       Sự nghiệp xây dựng và phát triển điện ảnh Thừa Thiên Huế như một cuộc chạy đua tiếp sức không ngừng nghỉ của các lớp lớp các thế hệ cán bộ công tác trong lĩnh vực điện ảnh tỉnh nhà, bằng những việc làm có tên và không tên của mình, đã dệt nên những trang sử truyền thống tốt đẹp của ngành điện ảnh. Tiếp nối thành quả lao động sáng tạo của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước, những người làm điện ảnh hôm nay vẫn nổ lực đổi mới, sáng tạo không ngừng, góp phần vào sự phát triển của điện ảnh Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển. Điện ảnh hôm nay không có sự phân biệt tư nhân hay nhà nước mà chỉ có duy nhất một nền điện ảnh Việt Nam, điện ảnh dân tộc, hướng tới một mục tiêu xây dựng, phát triển nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…

       Trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngành điện ảnh đã phát huy tốt sức mạnh nội sinh của mình, tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, dân tộc, khoa học, đại chúng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Toàn thể cán bộ viên chức và người lao động ngành điện ảnh luôn vững tin, bền bỉ, yêu ngành, yêu nghề, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành Văn hóa và Thể thao cũng như góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Để có được kết quả như ngày hôm nay, trước hết nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi của Lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin, Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, Cục Điện ảnh, các cơ quan ban ngành, các huyện, thị xã và thành phố Huế, đặc biệt là sự phối hợp, hỗ trợ của các Phòng Văn hóa Thông tin, các Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao cấp huyện, đã hết lòng giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

      Kỷ niệm 70 năm Ngày Điện ảnh cách mạng Việt Nam là dịp để những thế hệ đã và đang công tác trong ngành điện ảnh cùng nhau ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang nhưng vô cùng khó khăn, gian khổ và rất đỗi tự hào của điện ảnh nước nhà; hiểu thêm về lịch sử hình thành, phát triển của điện ảnh cách mạng Việt Nam nói chung và điện ảnh Thừa Thiên Huế nói riêng, sự cống hiến của lớp lớp thế hệ đã và đang công tác trong lĩnh vực điện ảnh tỉnh nhà. Mặc dù còn quá nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ làm công tác đưa ánh sáng, niềm tin yêu của Đảng và Nhà nước về với nhân dân vùng sâu, vùng xa sẽ luôn nỗ lực, tận tụy, trách nhiệm, yêu nghề, hoàn thành tốt sứ mệnh được giao. Nhân dịp này, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã long trọng tổ chức Gặp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Điện ảnh cách mạng Việt Nam và tặng hoa chúc mừng cho các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin, Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, các đồng chí nguyên là Lãnh đạo Công ty Điện ảnh Băng hình, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng qua các thời kỳ./.

     Một số hình ảnh tiêu biểu tại buổi Gặp mặt:

 

 

 

 

 

 

 

Nhung Nguyễn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.