Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.617.959
Truy cập hiện tại 91
Tuyên truyền hình ảnh Việt Nam ra thế giới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII
Ngày cập nhật 04/08/2021

“Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân” là định hướng có tính đột phá được xác định tại Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, hoạt động tuyên truyền hình ảnh Việt Nam ra thế giới sẽ dựa vào sức mạnh tổng hợp của ba trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân trên cơ sở đổi mới hiện đại và toàn diện. 

SỨC MẠNH TỔNG HỢP CỦA ĐỐI NGOẠI ĐẢNG, NGOẠI GIAO NHÀ NƯỚC VÀ ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN
Tuyên truyền hình ảnh quốc gia là một bộ phận nằm trong công tác thông tin đối ngoại nhằm chuyển tải các nét đặc sắc của thiên nhiên, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam, những thành tựu của công cuộc đổi mới, tiềm năng và hiệu quả trong hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các đối tác...(1).
Báo cáo chính trị của Đại hội XIII đã xác định: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”(2). Đây là định hướng có tính đột phá khi hoạt động đối ngoại được cấu thành bởi ba trụ cột nhằm tạo ra sức mạnh mang tính toàn diện, hiện đại. Đồng nghĩa với đó, hoạt động thông tin đối ngoại nói chung và tuyên truyền hình ảnh Việt Nam ra thế giới nói riêng sẽ dựa vào sức mạnh tổng hợp của ba hoạt động của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân với sự đổi mới hiện đại và toàn diện. 
 
Tuyên truyền hình ảnh Việt Nam qua kênh đối ngoại Đảng được thực hiện bằng thông tin, báo cáo về thành tựu đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua hoạt động đối ngoại Đảng, nhất là của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong những chuyến viếng thăm, tiếp xúc, gặp gỡ song phương (giữa Đảng ta với các đảng) và đa phương (trong các lực lượng cộng sản, công nhân và diễn đàn của các chính đảng không phân biệt khuynh hướng và tư tưởng chính trị).
 
Ngoại giao Nhà nước là hoạt động đa dạng nhất với sự tham gia của các cơ quan đối ngoại của Chính phủ, Quốc hội. Đối với Chính phủ, hoạt động thông tin đối ngoại nói chung và hoạt động tuyên truyền hình ảnh quốc gia nói riêng do Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan liên quan. Do đó, hình thức và phương tiện của hoạt động thông tin đối ngoại của Chính phủ rất đa dạng như: hoạt động đối ngoại của lãnh đạo nhà nước, quan chức chính phủ; thông qua phát ngôn đối ngoại, xuất bản phẩm, sản phẩm báo chí đối ngoại, phương tiện truyền thông xã hội, phương tiện truyền thông đại chúng, các sự kiện tổ chức ở nước ngoài và Việt Nam. 
 
Chính phủ xác định “báo chí đối ngoại là một trong những lực lượng quan trọng của công tác thông tin đối ngoại”(3), “Phát thanh, truyền hình đối ngoại là lực lượng chủ lực để thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại”(4). Theo đó, lực lượng báo chí đối ngoại cần phải được chú ý đổi mới về chất lượng nội dung, hình thức trên cơ sở áp dụng các xu hướng báo chí mới, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng và khu vực. Tương tự, các sự kiện tổ chức ở nước ngoài và Việt Nam hướng đến người nước ngoài, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng điện thoại di động cũng cần phải chú trọng nâng caotính hấp dẫn, sáng tạo nhằm thu hút sự chú ý, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người tiếp nhận, nhất là các khu vực có mức sống cao.
Trong đối ngoại nhân dân, hoạt động tuyên truyền hình ảnh Việt Nam được thực hiện thông qua các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và những tổ chức nhân dân ở Trung ương tạo nền tảng xã hội hữu nghị với các nước và bạn bè quốc tế, nhất là giới trẻ, các doanh nhân, chính trị gia, nhà văn hóa… có tầm ảnh hưởng lớn, có thiện cảm với Việt Nam. Hoạt động tuyên truyền hình ảnh Việt Nam trong đối ngoại nhân dân cần phát triển theo hướng toàn diện, hiện đại, không chỉ bó hẹp trong phạm vi truyền thông nhằm duy trì hợp tác đoàn kết, mà còn để mở rộng, gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu cụ thể trong những lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa - giáo dục, khoa học công nghệ, du lịch, đầu tư, giáo dục đào tạo, y tế, sức khỏe, môi trường. 
Tuyên truyền hình ảnh Việt Nam trong đối ngoại nhân dân cần linh hoạt kết hợp cả hai mặt hợp tác và đấu tranh phù hợp với từng thời điểm và từng đối tượng để hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động đối ngoại Đảng, thông tin đối ngoại Chính phủ và đối ngoại Quốc hội, nhất là trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Qua đó giúp thế giới hiểu, yêu mến Việt Nam và có những hành động cụ thể thiết thực như đầu tư, du lịch, ủng hộ Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế. 
VĂN HÓA VIỆT NAM - “SỨC MẠNH MỀM”TRONG HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN HÌNH ẢNH VIỆT NAM RA THẾ GIỚI  
Định hướng thứ tư trong phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII là “...xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đã bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội dung, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”(5). Trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta xác định:“...Hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa; phát triển những sản phẩm, loại hình văn hóa độc đáo, sáng tạo có sức lan tỏa để quảng bá, giới thiệu ra thế giới”(6). Theo đó, tuyên truyền văn hóa Việt Nam ra thế giới cần đưa ra các thông điệp vừa làm nổi bật được những nét đặc sắc của văn hóa của Việt Nam, trong đó có tính khác biệt với thông điệp của các quốc gia khác, vừa đảm bài sự “hài hòa” với xu thế chung của nhân loại, đồng thời phải tác động đến tình cảm, đáp ứng được nhu cầu và thuyết phục đối tượng tiếp nhận. 
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Mặc dù năm 2020 kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lụt nghiêm trọng ở miền Trung nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 đạt khoảng 6%/năm và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới”(7). Trong bối cảnh đó, “các hoạt động ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân được triển khai tích cực trong điều kiện tăng cường hội nhập quốc tế, nhất là trong thời gian dịch bệnh COVID-19”(8). Kết quả này đã làm “nổi bật lên những giá trị văn hóa, đạo đức xã hội...”, đồng thời là sức mạnh mềm mà chúng ta đã tận dụng hữu hiệu, tạo sức lan tỏa với thế giới về một Việt Nam - điểm đến đầu tư, du lịch hấp dẫn, an toàn; khẳng định những kết quả đạt được thông qua “tổ chức tốt công tác thông tin đối ngoại tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới”(9). 
ĐẤU TRANH CHỐNG XUYÊN TẠC, BÔI NHỌ HÌNH ẢNH VIỆT NAM
Trong mọi giai đoạn cách mạng, các thế lực thù địch, phản động luôn không ngừng chống phá Đảng, Nhà nước ta bằng nhiều hình thức tinh vi, sảo quyệt với nhiều phương tiện, cách thức khác nhau hòng làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Trong tình hình mới, chúng ra sức lợi dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, mạng xã hội để truyền bá những thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt, xấu độc; xâm nhập, móc nối hòng tác động tiêu cực tới tư tưởng, ý chí và bản lĩnh của người dân Việt Nam. Chúng thường sử dụng những tin, bài, hình ảnh của báo chí chính thống trong nước, sau đó “tô vẽ” thêm bớt, đưa ra những nội dung “thật giả lẫn lộn” và thông tin sai lệch để đưa lên lên mạng xã hội; chúng lập ra những trang/tài khoản núp dưới “danh xưng” của các cơ quan Chính phủ, lãnh đạo cấp cao nhằm “lôi kéo” tâm lý hiếu kỳ của công chúng, “đánh” vào“ khoảng trống thông tin” (mà báo chí chính thống trong nước chưa đăng tải hoặc cần thời gian kiểm duyệt thông tin); chúng ngụy tạo các bài viết dưới những tiêu đề giật gân liên quan đến những vấn đề đang được dư luận quan tâm… 
Những thủ đoạn nêu trên của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn ít nhiều đã “dẫn dụ” và lừa dối được một bộ phận không nhỏ công chúng, đặc biệt là giới trẻ và những người còn “non”kinh nghiệm. Những cái “bẫy thông tin”mà các đối tượng thù địch, phản động, thiếu thiện chí với Việt Nam tung ra cũng đã khiến cho nhiều người nước ngoài không phân biệt được thông tin chính thống và thông tin giả mạo, dẫn đến có nhận thức không đúng, không tốt về Việt Nam. 
Do đó, hoạt động tuyên truyền hình ảnh Việt Nam ra thế giới không thể tách rời với việc đấu tranh phản bác, chống các luận điểm xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam. Đây cũng chính là một trong những lĩnh vực quan trọng của công tác tư tưởng nói chung và công tác đối ngoại nói riêng. “Đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị”(11) là một trong những nội dung trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được Đảng ta xác định trong Văn kiện Đại hội XIII. Việc tăng cường, đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ không chỉ nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ và sự ổn định của đất nước mà còn nhằm bảo vệ hình ảnh Việt Nam trước những thông tin không đúng sự thật. 
Trong hoạt động tuyên truyền hình ảnh Việt Nam ra thế giới, những nội dung đấu tranh, phản bác cần tùy vào đối tượng, hình thức, phương tiện, thời điểm, hoàn cảnh để điều chỉnh cho phù hợp. Tránh tạo ra “hiệu ứng ngược” - tạo tâm lý và cảm giác nặng nề cho đối tượng tiếp nhận thông tin, nhất là giới đầu tư, khách du lịch. Cần cân nhắc khi chuyển tải thông điệp đấu tranh, phản bác trên cơ sở xem xét một cách toàn diện, khách quan, phù hợp với chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, lịch sử của mỗi quốc gia.
TĂNG CƯỜNG ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG CHUYÊN MÔN, PHẨM CHẤT CHÍNH TRỊ CHO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ 
Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến hiệu quả của công tác tuyên truyền, trong đó có thông tin - tuyên truyền đối ngoại và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, bởi đối tượng hướng đến là người nước ngoài vốn có nền tảng giáo dục và sự khác biệt về văn hóa, chính trị, xã hội. Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh phải “nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, phong cách chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”. 
Đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin - tuyên truyền đối ngoại bao gồm cán bộ quản lý và cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ. Với trách nhiệm tổ chức bộ máy, nhân sự, phương hướng hoạt động, kinh phí, cơ sở vật chất, kiểm tra, giám sát... đội ngũ cán bộ quản lý đóng vai trò quyết định đến chất lượng của công tác tuyên truyền. Chính vì thế, với yêu cầu “bản lĩnh, phẩm chất, phong cách chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo”, đội ngũ quản lý phải là những người có khả năng ra quyết định đúng lúc, sử dụng đúng người đúng việc; chủ động, sáng tạo và nhận thức rõ xu hướng phát triển của hoạt động tuyên truyền hình ảnh Việt Nam ra thế giới; không ngừng định hướng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong bối cảnh cạnh tranh từ các quốc gia khác và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; chủ động xây dựng các phương án “dự phòng” để điều chỉnh kế hoạch tuyên truyền kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn ở mỗi quốc gia, khu vực, trong từng thời điểm....   
 
Hoạt động đối ngoại có mục đích tuyên truyền cho những đối tượng có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển, uy tín của quốc gia, vì thế, đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại cần phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về phẩm chất chính trị và kỹ năng chuyên nghiệp. Đây phải là những người đảm bảo được yếu tố “vừa hồng vừa chuyên”, “đa kỹ năng” (trong đó có năng lực ngoại ngữ, nghiên cứu, nói, viết, biên tập, biên dịch) và có năng lực sáng tạo trong môi trường truyền thông mới để linh hoạt trong sử dụng “hàm lượng” thông tin kết hợp với những hình thức hiện đại nhằm tạo sựhấp dẫn, phù hợp với địa lý, lứa tuổi, nhu cầu của đối tượng tuyên truyền. 
 
Với những nội dung được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về xây dựng sức mạnh ngoại giao tổng hợp, hiện đại, các cơ quan trong lĩnh vực thông tin đối ngoại sẽ tiếp tục phải làm rõ và cụ thể hóa hơn nữa những vấn đề liện quan đến ba trụ cột; khai thác tốt nhất yếu tố văn hóa để thực sự là “sức mạnh mềm” của quốc gia; tăng cường đấu tranh phản bác các luận điểm xuyên tạc và yêu cầu về phẩm chất đội ngũ làm công tác thông tin - tuyên truyền đối ngoại. Cùng với sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn dân, chắc chắn công tác thông tin - tuyên truyền đối ngoại nói chung và công tác tuyên truyền hình ảnh Việt Nam ra thế giới nói riêng sẽ đạt được những thắng lợi, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng./.
 
                                                                                                                                                                                       
                                                                                                                                                                        PGS. TS. Phạm Hương Trà
                                                                                                                                                                              TS. Lưu Trần Toàn

 

Theo Tạp chí Tuyên Giáo (HN)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.