Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.614.902
Truy cập hiện tại 29
Mít tinh trọng thể kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày cập nhật 20/05/2020
Trình bày diễn văn kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, cuộc đời 79 mùa Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại.
 
Sáng nay, 18-5, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TP Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020) - Vị cha già của dân tộc, lãnh tụ thiên tài, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới, Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, Người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hoà bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
 
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm 
 
Tới dự Lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước: Trần Đức Lương và Trương Tấn Sang. Cùng dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An và Nguyễn Sinh Hùng. Tham dự Lễ kỷ niệm còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; trưởng các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Hà Nội…
 
 
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự buổi Lễ
 
Lễ kỷ niệm còn có sự tham dự của các đồng chí lão thành cách mạng, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, cựu chiến binh, nhân sĩ, trí thức, đại diện các tôn giáo, dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô... Trình bày diễn văn kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, cuộc đời 79 mùa Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại. Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm hấp thu tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng thương dân sâu sắc và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của ông cha.
 
 
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước làm Lễ chào cờ
 
Chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta theo các khuynh hướng cứu nước khác nhau đều lần lượt thất bại, máu đào của biết bao các bậc tiên liệt và nhân dân ta đã đổ xuống nhưng không giành được độc lập, tự do, Người nung nấu quyết tâm đi tìm con đường mới để cứu nước, cứu dân. Với lòng yêu nước thiết tha và ý chí, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc, ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh rời Cảng Sài Gòn, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Bằng nhãn quan chính trị đặc biệt, Người quyết định sang Phương Tây, nơi khởi nguồn của chủ nghĩa thực dân, quê hương của các cuộc cách mạng tư sản, để tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ "Tự do", "Bình đẳng", "Bác ái"; "xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào" . Bôn ba khắp năm châu, bốn biển để nghiên cứu, tìm hiểu về các cuộc cách mạng điển hình, kiểm nghiệm nhiều học thuyết, nhiều con đường đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân các nước thuộc địa, cuối cùng Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở đó ánh sáng chân lý của thời đại, con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
 
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày diễn văn kỷ niệm
 
Người đã rút ra kết luận: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản". Tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã dần dần xây dựng được một hệ thống lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc phù hợp với thực tiễn Việt Nam, xác định đúng mục tiêu, con đường, lực lượng tham gia, lực lượng lãnh đạo, cũng như phương pháp cách mạng và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của một chính đảng cách mạng ở Việt Nam. Sau gần 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/01/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Tháng 8/1945, với tư duy chính trị cực kỳ nhạy cảm và sắc bén, dự báo chính xác, phân tích kịp thời và thấu đáo tình hình trong nước và quốc tế, nhận rõ thời cơ cách mạng đã chín muồi, Người nêu quyết tâm "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho kỳ được độc lập dân tộc", "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" . "Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã vùng lên phá tan gông xiềng nô lệ hơn 80 năm của chế độ thực dân, xoá bỏ chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một thời đại mới rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ. Khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước ta, sống mãi trong lòng dân tộc ta và trong trái tim nhân loại. Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một Di sản tư tưởng vô cùng quý báu, một Tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống hết sức sáng ngời!
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, thấm nhuần sâu sắc những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần phải tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thật sự "của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân". Phải tiếp tục phát huy truyền thống gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; ra sức phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng "như giữ gìn con ngươi của mắt mình" để Đảng ta mãi "là đạo đức, là văn minh" - như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của nhân dân. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chúng ta kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đúng vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tình hình quốc tế và trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm cao và nỗ lực lớn, năng động, sáng tạo hơn nữa để hoàn thành thật tốt những mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra.
 
 
Các tiết mục nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm
 
Trước hết là khắc phục những thách thức và tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, bảo đảm thật tốt an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân; đồng thời chủ động, nhạy bén nắm bắt thời cơ, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020; từ đó góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ khoá XII và giai đoạn 2011 - 2020; chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân. Tiếp tục đi theo con đường cách mạng vẻ vang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Người; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; để đất nước ta "ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn...
 
 
Sau phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là phát biểu của nguyên cán bộ bảo vệ Bác và phát biểu của đại diện thế hệ trẻ…
Ông Nguyễn Văn Đoàn, SN 1947 tại Ninh Bình, nguyên cán bộ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc động cho biết: "Năm 1965, tôi được phục vụ trong ngành Công an, được kết nạp Đảng, công tác tại Đội 1, Cục 22 Bộ Công an - đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ, bác Tôn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng". Từ những ngày đầu mới nhận nhiệm vụ, ông cùng đồng đội được đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác và đồng chí Hoàng Hữu Kháng, Cục trưởng Cục 22 Bộ Công an ân cần căn dặn nhiều điều, nhấn mạnh nhiệm vụ rất đặc biệt, trực tiếp bảo vệ Bác Hồ, rất vinh dự nhưng cũng rất khó khăn, đòi hỏi trách nhiệm cao. "Chúng tôi luôn tâm niệm phải làm thật tốt, không được có sai sót, dù là nhỏ và nhất là không để Bác phiền lòng. Là chiến sỹ mới, chúng tôi thật sự lo lắng, song bằng cả niềm vui, tự hào và tinh thần trách nhiệm, chúng tôi đã cố gắng nhanh chóng thuần thục công việc chuyên môn, được lãnh đạo yên tâm, sớm hôm gần gũi làm nhiệm vụ bảo vệ Người", ông nói. Những chuyến được theo Bác đi công tác, ông cảm nhận được tình cảm, nhân cách cao đẹp, cuộc đời giản dị của vị lãnh tụ đã dành trọn cuộc đời vì nước, vì dân. "Tôi còn nhớ, ngày 27-4-1969, Bác đi bầu cử HĐND khu phố Ba Đình tại địa điểm bầu cử nhà thuyền Hồ Tây. Sau khi bỏ phiếu bầu, Người ân cần thăm hỏi người dân tại điểm bầu cử rồi dành thời gian đi thăm cán bộ, chiến sỹ đồng bào. Trên mỗi con phố đi qua đến đâu cũng thấy không khí tưng bừng, phấn khởi của nhân dân, tiếng trống, tiếng loa cờ hoa rợp phố...", người cận vệ của Bác hồi tưởng lại.
 
 
Một chuyến đi khác là theo Bác tham dự Hội nghị mít tinh trọng thể chào mừng sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam được tổ chức tháng 6-1969. Hôm ấy, khi xe tới hội trường Ba Đình, Bác nhanh chóng xuống xe, đi thẳng vào hội trường, ít ai biết rằng thời điểm đó các thầy thuốc đã lo lắng cho sức khỏe của Người vì khi ở nhà Bác đi lại đã có phần khó khăn... Sự kiện khác khiến ông không thể nào quên là chuyến công tác cuối cùng của Người, ngày 12-8-1969. Biết tin có đoàn công tác ở xa về, dù không được khỏe nhừng Bác vẫn đến Khu biệt thự Hồ Tây để thăm hỏi, động viên và nghe đoàn công tác báo cáo tình hình... "Đó là tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Bác dành cho những người đi xa về. Không ai nghĩ rằng, chỉ 5 ngày sau, từ đêm 17-8 trở đi sức khỏe của Bác suy giảm nghiêm trọng. Nhưng không vì thế mà Người nghỉ ngơi. Bác vẫn quan tâm đến tình hình chiến sự, việc phòng, chống lũ lụt, bảo vệ đê điều, chăm lo cuộc sống người dân... Rồi Người không quên nhắc việc bắn pháo hoa cho nhân dân vui dịp Tết Độc lập. Đặc biệt, trong những ngày đau yếu cuối đời, tấm lòng của Người vẫn luôn hướng về đồng bào, chiến sỹ miền Nam..." - Những kỷ niệm đẹp về Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông Nguyễn Văn Đoàn kể lại với niềm xúc động, bồi hồi, nhớ thương Người vô hạn.
 
Đại diện thế hệ trẻ phát biểu cảm tưởng tại Lễ kỷ niệm, nữ sinh Huỳnh Mạnh Phương, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh bày tỏ: Vâng lời Bác dạy, chúng cháu luôn tin tưởng tuyệt đối và đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Ra sức rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng kiên định, vững vàng, rèn luyện phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, sống có văn hóa, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, sẻ chia, nhân ái. Có tinh thần dũng cảm bảo vệ cái đúng, cái tiến bộ; đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái lạc hậu cản trở sự phát triển; dũng cảm trong lao động, chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục nỗ lực học tập, hăng say lao động, luôn sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ, nỗ lực trong khởi nghiệp, lập nghiệp với khát vọng cháy bỏng là lan tỏa tinh thần, ý chí, nghị lực, trí tuệ tuổi trẻ Việt Nam, góp phần đưa đất nước ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng. Xung kích, tình nguyện, dấn thân, cống hiến, đến với những nơi còn khó khăn, gian khổ, "đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì" khi Tổ quốc cần; luôn vượt qua mọi khó khăn, quyếttâm bảo vệ vững chắc từng tấc đất, vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vì cuộc sống bình yên của nhân dân, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng với niềm tin của Đảng và Bác Hồ kính yêu…

 

Theo Báo Chính Phủ.vn (HN)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.