Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.619.616
Truy cập hiện tại 46
Nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác tuyên truyền lưu động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 31/08/2018

Trong những năm qua công tác tuyền truyền lưu động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế luôn được quan tâm và là mũi nhọn tạo hiệu quả nhanh phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương. Với phương thức tuyên truyền “nhanh, nhạy, kịp thời, cơ động và hiệu quả”, hoạt động Tuyên truyền lưu động đã giữ vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, đưa thông tin về cơ sở, là cầu nối giữa các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước với quần chúng nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các vùng đặc biệt khó khăn. 

Thông qua các Chương trình Tuyên truyền lưu động hay nói cách khác là thông qua các hình thức sân khấu hóa công tác tuyên truyền, chúng ta đã chuyển tải được các Chủ trương của Đảng, Chính sách, Pháp luật của Nhà nước đi vào tình cảm và thấm sâu vào đời sống của quần chúng nhân dân một cách nhẹ nhàng và có hiệu quả nhất. Công tác này đã thực sự đi vào đời sống xã hội.

Xác định công tác tuyên truyền là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển trên mọi lĩnh vực của tỉnh, là thế mạnh của ngành Văn hóa và Thể thao để góp phần vào sự thành công, thông qua công tác tuyên truyền, giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thấy rõ được vị trí, vai trò; làm cho mọi người dân nắm vững quyền và nghĩa vụ của mình trong việc chấp hành và thực hiện... Cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, con người mới, nếp sống mới, văn hóa mới, xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp. Đấu tranh chống mọi thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc từ bên ngoài, những quan điểm nhận thức lệch lạc, bài trừ các loại hủ tục lạc hậu, các biểu hiện phi văn hóa trong nhân dân…

Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, công tác tuyên truyền lưu động luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, sự phối hợp của các Sở, ban, ngành, đoàn thể trong các hoạt động tuyên truyền lưu động, góp phần xã hội hóa và nâng cao chất lượng, làm phong phú nội dung hoạt động của công tác tuyên truyền lưu động trên địa bàn tỉnh. Với phương châm xây dựng các chương trình tuyên truyền lưu động đúng và hay, đúng về mặt nội dung và hay về cách thức truyền đạt thông tin, những năm gần đây, các chương trình tuyên truyền đều nhận được sự ủng hộ và nhiệt tình theo dõi của bà con nhân dân các địa phương trong tỉnh. Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền lưu động trên địa bàn tỉnh tuy ít nhưng tâm huyết với công việc, luôn tìm tòi những cách làm hay để đổi mới, linh hoạt trong tổ chức các chương trình tuyên truyền nhằm đem đến sự mới mẻ, tránh nhàm chán trong cách thức chuyển tải thông tin, tùy từng nội dung tuyên truyền mà có những phương thức truyền đạt thông tin đến người dân một cách khác nhau, nâng cao hiệu quả của các chương trình tuyên truyền về cơ sở.  

Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh Thừa Thiên Huế, đơn vị được thành lập và đi vào hoạt động được 6 năm, từ tháng 08/2012 đến nay, yêu cầu đối với các chương trình tuyên truyền lưu động là ngày càng nâng cao về mặt chất lượng, nội dung và thu hút đông đảo bà con nhân dân đến theo dõi khi chương trình diễn ra. Mỗi năm Đội được giao tổ chức từ 15 - 20 buổi tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị. Nội dung tuyên truyền chủ chốt  tùy thuộc vào nhiệm vụ từng năm, nổi bật trong năm 2013, 2014 là các đợt tuyên truyền về chủ quyền biển đảo tập trung chủ yếu ở các xã vùng ven biển, đầm phá. Năm 2015 là đợt tuyên truyền thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIV tại một số địa phương trong tỉnh. Năm 2016, Đội thực hiện 2 đợt tuyên truyền đặc biệt quan trọng, đó là tuyên truyền hưởng ứng thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và tuyên truyền bầu cử quốc Hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 trên 9 huyện, thị xã và thành phố Huế.

Năm 2017 - 2018, tập trung cho tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, tuyên truyền về Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, về cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... Vượt qua khó khăn, Đội Tuyên truyền lưu động, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh luôn nỗ lực hết sức để xây dựng được những chương trình tốt, có nội dung tuyên truyền rõ ràng, gần gũi, dễ tiếp nhận đến với bà con nhân dân các xã, huyện trong tỉnh, đặc biệt là các xã vùng sâu vùng xa, vùng ven biển, đầm phá...

Ngoài ra, hằng năm, Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh với trách nhiệm được giao luôn chủ động liên hệ với Ban an toàn giao thông tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội tỉnh, Sở Y tế thực hiện công tác phối hợp, tổ chức các chương trình truyền thông về An toàn giao thông, tuyên truyền về phòng chống ma túy, tội phạm, phòng chống dịch cúm gia cầm, HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác... Tổng cộng, mỗi năm thực hiện khoảng 15 buổi tuyên truyền phối hợp với các ban ngành, đoàn thể.

Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã cơ bản đều được trang bị xe tuyên truyền lưu động để phục vụ công tác tuyên truyền ở cơ sở. Hằng năm các huyện, thị xã tổ chức trung bình từ 30 - 40 buổi phát thanh bằng xe Tuyên truyền lưu động, đồng thời phối hợp với các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tuyên truyền các vấn đề về dân số, cứu hộ cứu nạn, phòng chống cháy rừng, phòng chống tệ nạn xã hội... Một số huyện như: Nam Đông, Phú Lộc, thị xã Hương Trà hằng năm thực hiện được từ 50 - 60 buổi tuyên truyền lưu động bằng hình thức phát thanh.

Các chương trình tuyên truyền lưu động được các Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quan tâm xây dựng với chất lượng tốt để tuyên truyền phục vụ cơ sở. Trung bình mỗi năm thực hiện từ 4 - 6 chương trình tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, trong đó có một số huyện, thị xã thực hiện được từ 8 - 10 buổi tuyên truyền lưu động đạt chất lượng tốt trong 1 năm như Hương Thủy, Quảng Điền, A Lưới...   

Đội tuyên truyền lưu động huyện A Lưới, ngoài tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn huyện, hằng năm, Đội còn xây dựng các chương trình giao lưu với các huyện, tỉnh của nước bạn Lào đến thăm và làm việc. Đây cũng được xem là những chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, ngoại giao quan trọng nhằm gắn kết mối quan hệ gần gũi, thân thiết giữa hai nước Việt Nam - Lào.   

Đội Tuyên truyền Văn hóa thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, mỗi năm, Đội thực hiện 2 đợt tuyên truyền lớn chia đều trên 2 tuyến biên giới miền núi và miền ven biển, đầm phá, tổng cộng 16 buổi tuyên truyền về cơ sở; biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị tại các đơn vị quân đội, đặc biệt là các đơn vị đóng quân ở vùng xa từ 15 - 20 buổi mỗi năm. Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, Đội còn thường xuyên tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa, các chính sách xã hội đến với với đồng bào vùng sâu, vùng xa còn góp phần thắt chặt tình quân dân, tạo nên sự tin tưởng, đồng lòng, sức mạnh giữa quân và dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đa số các huyện, thị xã, thành phố Huế chưa có đội Tuyên truyền lưu động chính thức hoạt động, cán bộ phụ trách công tác tuyên truyền lưu động đều ở bộ phận khác kiêm nhiệm. Toàn tỉnh chỉ có 3 đội Tuyên truyền lưu động chính thức, đó là Đội Tuyên truyền lưu động trực thuộc Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh, Đội Tuyên truyền lưu động huyện A Lưới và Đội Tuyên truyền Văn hóa trực thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Từ thực tế trên cho thấy công tác tuyên truyền lưu động trên địa bàn toàn tỉnh chưa đạt được sự đồng bộ nhất định. Các địa phương không có kinh phí, không có lực lượng để hoạt động, trang thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền lưu động chưa được đầy đủ, ở các huyện, thị xã được trang bị xe tuyên truyền lưu động, loa, máy, nhưng đều thiếu hệ thống âm thanh ánh sáng phục vụ biểu diễn lưu động. Mỗi khi thực hiện chương trình đều phải thuê hệ thông âm thanh ánh sáng dịch vụ làm chi phí tổ chức chương trình tăng cao, theo đó số buổi tuyên truyền lưu động thực hiện được sẽ giảm đi, không nâng cao được chất lượng và nội dung hoạt động của công tác tuyên truyền lưu động tại các địa phương trong tỉnh.

Tuy điều kiện còn nhiều khó khăn song các đội Tuyên truyền lưu động từ tỉnh đến huyện với chức năng và hoạt động của mình, trong những năm qua, đã nhanh nhạy, bám sát các nhiệm vụ chính trị, quan tâm chủ động phối hợp với các ngành, lực lượng trên địa bàn tỉnh để tổ chức hoạt động thường xuyên. Nhiều đội đã nâng chương trình tuyên truyền có nội dung, biện pháp và cơ chế phối hợp cụ thể và đem lại hiệu quả tuyên truyền cao như A Lưới, Nam Đông, Đội Tuyên truyền văn hóa, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Hoạt động Tuyên truyền lưu động nhìn chung là có bước trưởng thành rõ nét, nhạy bén, sâu sắc hơn, nên mỗi chủ trương, chính sách, nhiệm vụ hay tiến bộ kỹ thuật, điển hình tiến tiến trong sản xuất… được các đội Tuyên truyền lưu động kịp thời chuyển đổi thành chương trình tuyên truyền có nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với trình độ, phong tục tập quán của nhân dân ở từng địa bàn cơ sở. 

Nhiều đội Tuyên truyền lưu động đã mạnh dạn sử dụng ngôn ngữ tiếng nói của đồng bào các dân tộc để tuyên truyền (như A Lưới, Nam Đông), kết hợp thực hiện triển lãm lưu động bằng tranh ảnh, biên soạn tài liệu truyên truyền, băng rôn, khẩu hiệu… góp phần không nhỏ vào quá trình thúc đẩy sản xuất, thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, xa, của tỉnh. Nghệ thuật tuyên truyền có bước tiến quan trọng, từ chỗ sử dụng chương trình đơn lẻ rời rạc, tham truyền đạt nhiều nội dung… đến nay, hầu hết các đội đều sử dụng thuần thục với sự kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động, thống nhất hướng tới chủ đề cần tuyên truyền. Kịch bản được coi là yếu tố quyết định hàng đầu để có một chương trình Tuyên truyền lưu động hiệu quả, cơ bản là đã đảm bảo đúng đường lối chủ chương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nguyện vọng, đòi hỏi của nhân dân, hợp với đối tượng tuyên truyền.

Mỗi cá nhân tuyên truyền viên đều cố gắng, tự tin, bằng sự nhiệt tình, đầy trách nhiệm, rèn luyện nghiệp vụ để có được sức hấp dẫn, truyền cảm, lôi cuốn người nghe, người xem, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trình độ diễn xuất tiến bộ đáng ghi nhận, việc nhập vai, thể hiện được tính cách, hành động của nhân vật, các điệu múa, lời ca thực hiện đạt trình độ nghệ thuật nhất định, dần mang tính chuyên nghiệp. Chất lượng chương trình của một số đội được nâng lên rõ rệt, tạo nên những phong trào quần chúng sôi nổi rộng khắp, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, với các vấn đề của xã hội bằng con đường ngắn nhất, dễ hiểu nhất, để tiếp tục khẳng định thế mạnh của Tuyên truyền lưu động, phát huy hiệu quả các thiết bị đã được Nhà nước trang cấp. Hoạt động của các đội Tuyên truyền lưu động trên toàn tỉnh nhiều năm qua đã thực sự trở thành một kênh thông tin quan trọng, xung kích có nhiều ưu thế, có sức lan tỏa nhanh, sát với cơ sở, mang sức mạnh đại chúng, trong nhiều trường hợp là hình thức tuyên truyền sinh động khó có gì thay thế được.  

Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, công tác tuyên truyền lưu động của tỉnh cũng còn nhiều mặt hạn chế cần khắc phục. Về  tổ chức và cán bộ: Định biên cho đội Tuyên truyền lưu động chưa ổn định, thống nhất (theo quy định được định biên từ 5 đến 7 người) trong thực tế không có địa phương nào có biên chế của Đội Tuyên truyền lưu động. Các đội cơ bản thiếu tuyên truyền viên cả về số lượng và chất lượng. Công tác đạo diễn, xây dựng kịch bản, dàn dựng chương trình tuy có bước tiến bộ, nhiều sáng tạo nhưng cũng cần được phải được đầu tư hơn nữa từ phân tích kịch bản, âm nhạc, sân khấu, trang phục, đạo cụ... Tuyên truyền, cổ động trực quan cần phát triển mạnh về chiều sâu cho phù hợp và sát với thực tiễn, cần nhìn thẳng vào các vấn đề mặt trái của xã hội, chú trọng đến đối thoại, vận động, thuyết phục, giải đáp trúng những vấn đề bức xúc mà quần chúng nhân dân đang quan tâm,phản ánh kịp thời ý kiến của nhân dân và dư luận xã hội; khai thác để chương trình thêm sinh động, hấp dẫn.

Nội dung, hình thức hoạt động tuy đã được cải thiện, nâng cao, song so với đòi hỏi của xã hội thì hình thức, chất lượng nội dung tuyên truyền nhìn chung chưa đồng đều, hoạt động của một số đội còn đơn điệu nghèo nàn, thiếu những chuyên đề sâu, nặng về  lý luận, quá chú ý tới nghệ thuật biểu diễn, nhiều công phu song lượng thông tin trong chương trình còn ít, tính cổ động không mạnh. Văn hóa truyền thống các dân tộc vô cùng phong phú, có giá trị, song do nhiều nguyên nhân mà chưa được khai thác, sử dụng, phục vụ cơ sở có hiệu quả.

 Những trang thiết bị được trang cấp thời gian qua chưa thực sự hiện đại, còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp, đáp ứng được yêu cầu hoạt động, phát triển, các đội Tuyên truyền lưu động cần tăng cường trong việc bố trí cán bộ, quản lý, sử dụng một cách hợp lý để nâng cao hiệu quả thiết bị.  

Bên cạnh đó, thực tế nhiều chương trình Tuyên truyền lưu động được đầu tư lớn, có chất lượng tốt, tuy nhiên lượng khán giả đến xem vẫn rất ít. Vì sao lại như vây? Chúng ta đang sống trong một thời đại bùng nổ thông tin mạnh mẽ, khi mà internet và các phương tiện nghe, nhìn chất lượng cao đã đi vào từng nhà, đặc biệt là truyền hình có hàng trăm kênh, phát liên tục 24/24 giờ mỗi ngày, với đầy đủ các loại hình văn hóa nghệ thuật, thể thao… đã làm cho đời sống tinh thần và nhu cầu giải trí của người dân (kể cả miền núi và vùng xa xôi, hẻo lánh) được đáp ứng ngày càng phong phú, đa dạng; các Chương trình Tuyên truyền lưu động của chúng ta không còn là sự lựa chọn ưu tiên của người dân, do đó luôn luôn có rất ít khán giả đến xem.  

Vấn đề đặt ra là cần phải làm gì để mỗi Chương trình Tuyên truyền lưu động về phục vụ cơ sở luôn có đông khán giả, thu hút được người xem từ khi mở đầu cho đến kết thúc?

Công tác tuyên truyền lưu động ở tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn nhiều bất cập đó là công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa đánh giá hết được tiềm năng tuyên truyền ở cơ sở, chưa phát huy hết các loại hình tuyên truyền, không gian tuyên truyền còn bó hẹp, đối tượng tuyên truyền chưa nhiều nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Chưa sử dụng hết các thiết chế văn hóa để làm tuyên truyền, phương pháp tuyên truyền chưa đa dạng, thời gian tuyên truyền phần lớn theo thời vụ, nội dung tuyên truyền chưa phong phú trong khi nhiều vấn đề của đời sống xã hội đặt ra. Hơn nữa kinh phí đầu tư cho công tác tuyên truyền còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay; đội ngũ làm công tác tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu chưa đáp ứng kịp thời khối lượng lớn công việc nên còn nhiều bất cập, cán bộ thường xuyên thay đổi, làm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền cũng như đào tạo... Một bộ phận các cấp, ban, ngành chưa nhận thức được công tác tuyên truyền là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chưa thấy rõ tính hiệu quả của công tác tuyên truyền và xem đó là nhiệm vụ của riêng Ngành Văn hóa và Thể thao nên việc chỉ đạo, tham gia, phối kết hợp đối với công tác này còn bị xem nhẹ.

Xác định công tác tuyên truyền lưu động có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, đòi hỏi phải có cách làm mới kể cả về quy mô và nghệ thuật tuyên truyền. Phải hết sức sáng tạo trên một tư duy mới. Không thể thụ động mà phải phối hợp chặt chẽ với các ngành các địa phương để đưa ra những dự báo cho công tác tuyên truyền, nếu không thì có kết cục ngược lại. Trong thời đại công nghệ thông tin, sự phát triển mạnh của các loại hình báo chí, nhất là báo mạng và truyền hình, công tác tuyên truyền cổ động cũng phải thích ứng, sáng tạo mới có thể đáp ứng yêu cầu của công tác tuyên truyền trong tình hình hiện nay.  

Xin đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền lưu động ở tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay:

1. Tích cực quan tâm nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, thông tin lưu động chuyên nghiệp, điều động bổ sung hợp lý, đủ biên chế, có chuyên môn nghiệp vụ làm công tác Tuyên truyền lưu động. Người làm công tác Tuyên truyền lưu động phải có năng khiếu (viết tin, thuyết trình, hát, biên đạo, vẽ, sáng tác…), tâm huyết với nghề, có khả năng thể hiện sinh động bằng nghệ thuật nói trước công chúng, trình diễn lôi cuốn, thuyết phục người nghe, người xem. Có cơ chế trọng dụng những người có năng khiếu nhất là khả năng tuyên truyền miệng, viết kịch bản, dàn dựng chương trình và biểu diễn. 

Mỗi Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao đều phải có cán bộ nghiệp vụ chuyên trách về công tác tuyên truyền lưu động. Đây là điều kiện đầu tiên để thúc đầy công tác tuyên truyền lưu động ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh phát triển hơn trong những năm tới.

2. Nâng cao chất lượng nội dung, cải tiến loại hình tuyên truyền, khích lệ sự nhạy bén, sáng tạo của Tuyên truyền viên trong quá trình sáng tác kịch bản, phù hợp với phong tục tấp quán, truyền thống dân tộc…  Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền và vận dụng sáng tạo, linh hoạt, kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền như cổ động trực quan, văn hóa văn nghệ, câu chuyện thông tin... thành chương trình tổng hợp và rõ nét về chủ đề, sát với thực tiễn cuộc sống, tránh gây nhàm chán cho công chúng, đem lại cho người nghe thông tin mới, có giá trị, gây sự hứng thú, lôi cuốn họ và việc tìm hiểu, nghiên cứu, suy nghĩ, phân tích, học tập, làm theo… 

3. Đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương, đây là môi trường để tìm thấy những những hạt nhân phong trào tốt, có thể mời tham gia các chương trình tuyên truyền lưu động khi cần thiết. Khi biểu diễn phục vụ cơ sở nên mời các đội văn nghệ, nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ ở địa phương tham gia một vài tiết mục vào chương trình của đội, vừa nhằm thu hút quần chúng đến xem, tăng khách thể tuyên truyền, vừa kích thích phát triển phong trào ở địa phương.

4. Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng cho tuyên truyền viên (tổng hợp, biên tập tài liệu, thuyết trình trước đám đông...), kỹ năng xây dựng một chương trình tuyên truyền, xây dựng kịch bản thông tin... Để có thể thực hiện một chương trình tuyên truyền lưu động đạt hiệu quả tuyên truyền tốt, với chất lượng ngày càng cao.

5. Đầu tư trang thiết bị chủ yếu là hệ thống âm thanh ánh sáng phục vụ công tác tuyên truyền lưu động ở các địa phương. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí tổ chức 01 chương trình tuyên truyền, từ đó có thể tăng thêm số buổi thực hiện các chương trình tuyên truyền lưu động hằng năm, giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác tuyên truyền của từng địa phương trên địa bàn tỉnh.

6. Đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể... góp phần thực hiện xã hội hóa hoạt động tuyên truyền lưu động, đồng thời  làm phong phú thêm nội dung, chương trình, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền lưu động trên địa bàn tỉnh.

7. Cần có những chính sách quy định rõ ràng, thống nhất, có chế độ ưu đãi phục vụ cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hoạt động ban đêm, tập luyện xây dựng chương trình... Cần quan tâm đúng mức đến đội ngũ cán bộ làm công tác này bằng cách tạo điều kiện cho Tuyên truyền viên được học tập, bồi dưỡng, trao đổi nghiệp vụ, được cấp phát tài liệu, cung cấp thông tin… 

8. Thông qua các Liên hoan, Hội thi, hội diễn, qua các hội thảo, hội nghị, tọa đàm, qua chỉ đạo xây dựng và sơ tổng kết để nêu gương, xây dựng các mô hình văn hóa, có chính sách khen thưởng kịp thời, phù hợp để khuyến khích phát triển các tập thể, cá nhân trong hoạt động Tuyên truyền lưu động.

Công tác Tuyên truyền lưu động là cần thiết và rất sinh động nhưng người làm tuyên truyền không nhận thức đúng, không đổi mới cách làm thì hiệu quả đạt được sẽ không cao mà còn gây tác dụng ngược lại. Để công tác tuyên truyền lưu động đạt chất lượng và hiệu quả cao cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc thực hiện công tác tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền lưu động trong chiến lược phát triền kinh tế - xã hội; tiếp tục quán triệt các nội dung cơ bản về công tác tuyên truyền lưu động, cổ động trực quan trong tình hình mới, thực sự coi trọng công tác tuyên truyền lưu động trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền. Nội dung phải sát với thực tiễn cuộc sống, hình thức phải đa dạng, phong phú và sử dụng nhiều loại hình tuyên truyền để tránh gây nhàm chán cho công chúng. Có chính sách khuyến khích thoả đáng về tinh thần và vật chất đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, cộng tác viên tuyên truyền ở cơ sở; tập trung mọi nguồn lực đầu tư, đảm bảo ngân sách nhà nước cho công tác tuyên truyền trong chương trình mục tiêu về văn hóa, huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác tuyên truyền; củng cố và hoàn thiện bộ máy làm công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, đặc biệt là cán bộ tuyên truyền cấp xã, phường, thị trấn, đảm bảo chất lượng của hệ thống tuyên truyền; tiếp tục trang bị và đầu tư các phương tiện tuyên truyền cần thiết cho việc triển khai các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan ở cơ sở; tập trung ưu tiên tuyên truyền cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân; góp phần quan trọng trong việc xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp, xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước./.

Quang Minh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.