Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.614.592
Truy cập hiện tại 22
Một số kinh nghiệm trong công tác dàn dựng các chương trình nghệ thuật quần chúng tham gia Liên hoan, Hội diễn
Ngày cập nhật 08/06/2016

Trong xu thế hiện nay, các hoạt động phong trào được nâng cao về chất lượng và mang tính chuyên nghiệp cao nhất là các chương trình tham gia các Liên hoan, Hội thi, Hội diễn… Làm sao để có một chương trình nghệ thuật quần chúng có chất lượng là vấn đề được các đơn vị quan tâm hiện nay. Điều đó, đòi hỏi người tổ chức thực hiện, đạo diễn chương trình phải nắm rõ một số nguyên tắc, những vấn đề cơ bản khi xây dựng một chương trình nghệ thuật quần chúng. 

Trong đời sống xã hội hiện nay, đời sống văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân đã được nâng cao rõ nét. Đây cũng chính là xu thế tất yếu của sự phát triển chung mang đậm dấu ấn của thời đại. Kéo theo đó là sự nâng cao hơn những nhu cầu thưởng thức, cảm  nhận các mặt văn hoá xã hội nói chung và các chương trình nghệ thuật nói riêng bao gồm cả nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ thuật quần chúng. 
 
 
Thông qua các chương trình nghệ thuật khẳng định được tầm vóc, quy mô, hình thức và có sức ảnh hưởng đối với uy tín của đơn vị. Chính vì vậy, việc dàn dựng các chương trình nghệ thuật có chất lượng tốt để tham gia các Liên hoan, Hội diễn cũng là cách đóng góp cho hoạt động phong trào văn hóa cơ sở, là mục tiêu mà chúng ta phải hướng tới trong quá trình tổ chức hoạt động.  
Từ xu thế chung như vậy, trong những năm trở lại đây, các cuộc Liên hoan, Hội diễn từng bước được nâng cao về chất lượng, đổi mới phương thức, tổ chức chặt chẽ và chất lượng hơn đặc biệt là mang tính đại chúng cao hơn, gần gũi hơn với đời sống xã hội. 

 
Từ nhận thức và thực tiễn đó, chúng tôi mong muốn có những đóng góp để nâng cao chất lượng và hiệu quả cũng như giá trị của các chương trình nghệ thuật cả chuyên nghiệp lẫn nghệ thuật quần chúng thông qua các Liên hoan, Hội diễn.. bởi các hoạt động này cũng là một cách phản ánh chân thực nhất đời sống văn hoá, tinh thần của các tầng lớp nhân dân tại địa phương.
 
 
Khi bàn về chương trình nghệ thuật, chúng ta hiểu rằng đó là là sự liên kết, hợp thành từ những tác phẩm, tiết mục của nhiều loại hình nghệ thuật trong một tổng thể chương trình. Song, nó phải tuân theo quy luật cấu trúc tình cảm, tâm lí và thẩm mĩ người xem. Nó phải thực hiện được hai yêu cầu là tính logic nghệ thuật và tính logic khoa học, tính hợp lí, hấp dẫn. Để xây dựng chương trình nghệ thuật có chất lượng và hợp lý theo tôi cần lưu ý một số vấn đề sau: 
Thứ nhất, xây dựng ý tưởng về tổng thể chương trình. Đây là một trong những khâu then chốt bởi nó sẽ là cơ sở để lựa chọn tiết mục, cấu trúc cho chương trình. Cấu trúc chương trình có thể xây dựng theo lối sử thi, theo các sự kiện thời sự, theo tiến trình lịch sử hoặc bằng cách dẫn chuyện… để hướng đến mục đích ý tưởng đã đề ra. Xây dựng ý tưởng chương trình cũng sẽ tránh được tình trạng lắp ghép các tiết mục một cách “cơ học” không theo đúng chủ đề. Đồng thời tránh tình trạng trùng lắp tiết mục của các đơn vị khác. Vì vậy, đôi khi ý tưởng chương trình cũng cần được thông tin mang tính chất nội bộ. Nghĩa là ý tưởng đó chỉ được phổ biến đến những người có liên quan như ê kíp thực hiện, chỉ đạo chương trình, các diễn viên tham gia chương trình… tránh trường hợp các đơn vị bạn “tham khảo” đôi khi sẽ mang đến sự bất lợi cho chúng ta.
 
 
Thứ hai, cần nắm bắt và hiểu rõ chủ đề và các yêu cầu do Ban tổ chức đề ra; từ đó, vận dụng có sáng tạo vào chương trình của đơn vị mình. Chương trình nhất định phải tuân theo chủ đề của Ban tổ chức đề ra. Như đã nói ở trên, một số chương trình không bám sát chủ đề, không xây dựng ý tưởng kịch bản nên dẫn đến tình trạng lắp ghép các tiết mục theo cảm tính. Điều này làm cho chương trình không đạt hiệu quả cao dù một số tiết mục riêng lẻ có thể có chất lượng tốt. Như vậy, chủ đề phải được xuyên suốt thì chương trình mới thật sự chất lượng, không đi lệch yêu cầu của Ban tổ chức. 
 
 
Thứ ba, phải thực hiện một cách triệt để các điều khoản trong Quy chế của Liên hoan, Hội diễn. Trên thực tế, bên cạnh nhiều đơn vị thực hiện đúng và đầy đủ các điều khoản của Quy chế thì vẫn có một số đơn vị chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này. Do đó, đã dẫn đến tình trạng chương trình không đúng chủ đề, vượt số lượng người quy định cho mỗi tiết mục, thời lượng không đảm bảo…
Thông qua nhiều Liên hoan chúng ta có thể thấy rằng, nhiều tiết mục được dàn dựng một cách công phu, hoành tráng, chuyên nghiệp, chất lượng tốt nhưng vi phạm quy chế nên cũng không được đánh giá cao hoặc không được trao giải. Như thế sẽ gây lãng phí công sức, tiền bạc mà không mang lại hiệu quả. Thậm chí sẽ tạo ra những mâu thuẫn, tranh luận không đáng có trong nội bộ Ban tổ chức và các đơn vị bạn.
 
 
Thứ tư, về lựa chọn và làm mới tiết mục: Trên cở sở ý tưởng kịch bản, chủ đề của Chương trình, việc lựa chọn và làm mới tiết mục là hết sức quan trọng. Có thể nói rằng tiết mục trong chương trình có tính chất quyết định rất lớn đối với sự thành công của chương trình. Như chúng ta đã biết, đối với các Liên hoan, Hội diễn thì các tiết mục hay, đúng chủ đề thường được nhiều đơn vị sử dụng. Vì vậy, khả năng trùng lặp là rất cao. Làm sao để tránh sự nhàm chán và có sự khác biệt với các tiết mục trùng lặp này? Theo tôi, cần đầu tư làm mới hình thức thể hiện, tạo điểm nhấn, phải có những yếu tố “bất ngờ và thú vị”, không chỉ cho Ban giám khảo mà cho cả người xem. Có thể thay đổi phần phối khí âm nhạc, thay đổi hình thức thể hiện như dựng bè, vocal, hoặc sử dụng múa phụ họa, đạo cụ để hỗ trợ… Một trong những vấn đề cũng cần quan tâm đó là hình thức thể hiện của tác phẩm. Ví dụ: Một số tác phẩm viết ra chỉ để cho hình thức hợp xướng, cho đơn ca thì không thể thay đổi hình thức thể hiện. Qua thực tiễn chúng ta thấy có nhiều đơn vị thay đổi hình thức thể hiện từ tác phẩm viết cho tốp ca, hợp xứng thành đơn ca, song ca hoặc thể loại khác nên sẽ phá vỡ cấu trúc tác phẩm và không thuyết phục được BGK và người xem. Tóm lại là phải làm cho tiết mục có tính đột phá, khác biệt với cách thể hiện thông thường nhưng phải phù hợp thì mới có thể mang lại ấn tượng.  
 
 
Thứ năm, lựa chọn người thể hiện tác phẩm. Không phải ca sỹ nào cũng thể hiện hay tất cả các tác phẩm mà tùy theo chất liệu, sở trường để lựa chọn người thể hiện phù hợp. Trong quá trình xây dựng chương trình, vì nhiều lý do, điều kiện khác nhau, hoặc do thiếu ca sỹ… đạo diễn chương trình có thể chỉ định người thể hiện một tác phẩm quá sức, không phù hợp với sở trường của họ nên tiết mục trở nên gượng ép và tất nhiên là không đạt hiệu quả. Vì vậy, khi lựa chọn tiết mục và nhân sự đảm nhiệm tác phẩm cần khai thác tối đa lợi thế của ca sỹ, của lực lượng hiện có.
Thứ sáu, về chương trình, trên cơ sở ý tưởng, các tiết mục, cần kết cấu chương trình hợp lý theo trình tự, theo nội dung như đã trình bày ở trên. Đạo diễn chương trình cần trao đổi, bàn bạc, thảo luận một cách cụ thể về ý tưởng, về những điểm mấu chốt của chương trình với ê kíp thực hiện như biên đạo, ca sỹ, diễn viên múa để nắm bắt tinh thần, từ đó có sự đồng nhất trong công tác dàn dựng. 
 
 
Một trong những vấn đề cần hạn chế tối đa là lắp ghép các tiết mục một cách ngẫu nhiên, cảm tính, “cơ học”. Nghĩa là các tiết mục phải được tính toán có tính logic, tính nghệ thuật và kỹ thuật để tạo sự liên hoàn. Thông qua chương trình, người xem có thể thấy rõ chủ đề, tư tưởng, thông điệp mà chúng ta đã xây dựng và muốn gửi gắm. Khi xây dựng chương trình cũng cần tránh sự trùng lặp về tiết tấu - hoặc là quá ồn ào, hoặc là quá trầm buồn không tạo được sự sinh động, phong phú, cuốn người xem vào dòng cảm xúc liên hoàn. Cần sử dụng một số thủ pháp sân khấu để tạo ra sự bất ngờ, thú vị, mới lạ, phải biết thời điểm nào, tiết mục nào làm cao trào, là điểm nhấn của chương trình… Có như vậy chương trình mới cuốn hút người xem. Chương trình cũng phải chú trọng để khai thác các lợi thế về bản sắc của địa phương tạo sự khác biệt đối với các đơn vị bạn. Ngoài các vấn đề trên cũng cần lưu ý về công tác hậu cần bởi đây cũng là một trong những khâu có tác động đến tinh thần, hiệu quả của diễn viên khi tham gia chương trình.  
 
 
Tóm lại, để xây dựng được một chương trình tham gia các Liên hoan, Hội thi, Hội diễn đạt kết quả tốt, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của các cấp lãnh đạo thì người thực hiện chương trình (đạo diễn) cũng cần tính toán kỹ càng về ý tưởng kịch bản, về quy định của Ban tổ chức, về tất cả các yếu tố là thế mạnh và cả hạn chế của mình để xây dựng chương trình phù hợp. Yếu tố quyết đoán, bất ngờ, sáng tạo, mới lạ, táo bạo luôn mang đến cho BGK, cho công chúng những điều thú vị. Đó sẽ là những “miếng đánh bất ngờ” tạo ra chuỗi cảm xúc, ấn tượng với người xem và tất nhiên sẽ tạo ra hiệu ứng tốt đẹp. Một trong những điều tối kỵ là xây dựng chương trình tham gia với tinh thần đối phó, chiếu lệ, tham gia cho có. Điều này không những làm ảnh hưởng đến phong trào chung mà còn ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị, địa phương mình. 
 
 
Tuy vậy, những trao đổi trên là những kinh nghiệm thực tiễn và chỉ mang tính chất tham khảo bởi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” và đôi khi lực bất tòng tâm. Chúng tôi cũng mong muốn chia sẻ để những anh chị em làm công tác văn hóa cơ sở hoàn thiện hơn trong quá trình hoạt động, nhất là xây dựng các chương trình tham gia Liên hoan.

Các đơn vị tham gia các Liên hoan, hội diễn cũng đầu tư, xây dựng chương trình chất lượng hơn để đáp ứng các tiêu chí của Ban tổ chức đề ra.  

Nguyễn Văn Mãi - PGĐ Trung tâm VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.