Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.619.284
Truy cập hiện tại 35
Gìn giữ “bảo tàng sống” của cộng đồng
Ngày cập nhật 20/02/2023

Là hình thức sinh hoạt văn hóa của bản làng, gắn liền với quá trình phát triển của cộng đồng, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số luôn được quan tâm gìn giữ, phát huy, đáp ứng nhu cầu tâm linh, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc nhất của đồng bào.

Giải pháp quan trọng gìn giữ văn hóa các dân tộc
 
Trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, sinh hoạt lễ hội là hoạt động văn hóa rất đặc trưng, có mặt ở mọi miền đất nước. Theo thống kê, hiện cả nước có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%). Mỗi dân tộc đều có những lễ hội riêng gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lao động sản xuất, với quá trình phát triển của cả cộng đồng. Ở đó, các dân tộc đã kiến trúc lễ hội như một “sân khấu” tổng hợp các lĩnh vực văn hóa dân gian. Bởi vậy, có người còn gọi lễ hội là “bảo tàng sống”, “bảo tàng tự nhiên” của từng cộng đồng. Bảo tồn lễ hội của các dân tộc thiểu số được coi là một giải pháp quan trọng nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa, hạn chế tối đa sự đồng hóa về văn hóa giữa dân tộc này với dân tộc khác.
 
Các thầy cúng dân tộc Dao thực hành nghi lễ trong lễ hội Bàn Vương,
huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang. Ảnh: Kiều Dương
 
heo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, được Đảng, Nhà nước đặt ra trong mọi thời kỳ. Nhiều chủ trương, đường lối, chính sách lớn có liên quan đến bảo tồn giá trị văn hóa, trong đó có bảo tồn lễ hội, đã được Đảng, Nhà nước đầu tư nguồn lực, tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1270/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 có nhiều nội dung cụ thể về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có 2 dự án thành phần liên quan trực tiếp đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số, nhiều mục tiêu, nội dung đã được đặt ra, trong đó có mục tiêu bảo tồn 120 lễ hội, 80 bản làng, buôn truyền thống phục vụ phát triển du lịch...
 
Không những bảo tồn, thời gian qua, nhiều lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số được quảng bá, vinh danh. Nhiều lễ hội được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn; Lễ hội Gầu Tào của người Mông; Lễ hội Lồng tồng của người Tày; Lễ hội Roóng poọc của người Giáy; Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì đen; Lễ hội Quỹa Hiéng (Lễ hội qua năm) của người Dao đỏ; Lễ hội Tháp Bà Pônagar của đồng bào Chăm...
 
Hỗ trợ bảo tồn lễ hội truyền thống tiêu biểu
 
Hiện nay, do sự phát triển kinh tế - xã hội và toàn cầu hóa, nhiều lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số đứng trước nguy cơ mai một. Nhằm bảo tồn nét văn hóa độc đáo của các dân tộc, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa đã tăng cường kiểm kê, chọn lọc và hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn các lễ hội truyền thống tiêu biểu, trò diễn dân gian phù hợp với thuần phong mỹ tục và tình hình thực tế ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội truyền thống. Theo thống kê, đến năm 2018, đã có 85 lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số được hỗ trợ đầu tư bảo tồn.
 
Năm 2022, Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức bảo tồn, phát huy Tết cơm mới của dân tộc Giáy tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai; bảo tồn, phục dựng Lễ hội Mường Lập của dân tộc Mường tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa; Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn tại huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang; Tết cơm mới của dân tộc Mường tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ; Lễ hội Mường Đòn tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.
 
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cũng đã có nhiều chương trình phục dựng, duy trì và phát triển lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, nhiều lễ hội được tổ chức quy mô, trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc...
 
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, việc tổ chức bảo tồn lễ hội nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc của các chủ thể văn hóa, tổ chức, cá nhân có liên quan; khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc; giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại địa phương; phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

 

Theo www.bvhttdl.gov.vn (HN)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.