Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.672.561
Truy cập hiện tại 40
Độc đáo Lễ hội A Riêu Ping dân tộc Pa cô, huyện A Lưới
Ngày cập nhật 24/08/2023

Lễ hội A Riêu Ping hay còn gọi là “lễ cải táng và phong thần” của người Pa Cô nhằm tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà và những người đã khuất, là dịp để người dân Pa Cô gặp gỡ, giao lưu, củng cố đoàn kết cộng đồng. Đây là lễ hội truyền thống mang đậm nét bản sắc văn hóa tín ngưỡng tâm linh, linh thiêng, mang tính cộng đồng rất cao và quan trọng bậc nhất trong các lễ hội truyền thống của người dân Pa Cô ở miền Tây Thừa Thiên Huế.

Lễ hội A riêu Ping của dân tộc Pa Cô định kỳ tổ chức từ 10 năm, 20 năm một lần trong khoảng thời gian ba ngày hai đêm. với ý nghĩa thể hiện sự tôn kính của con cháu đối với tổ tiên và tri ân những người đã khuất, thắt chặt tình cảm gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, làng bản, tình cảm thông gia, tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa các làng kết nghĩa, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn. Cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu được mạnh khỏe, gia đình ấm no, hạnh phúc, bản làng giàu đẹp thanh bình. 
 
Khu nhà Ping
Năm nay, đồng bào Pa Cô ở bản Ân Triêng, xã Trung Sơn, huyện miền núi A Lưới đã tưng bừng tổ chức lễ hội A Riêu Ping với đầy đủ lễ tục cổ xưa với 22 nghi lễ lớn nhỏ và cả những nét văn hóa mới. Địa điểm tổ chức là một bãi đất trống, trước khi chính thức khai hội, những người đàn ông khéo nhất bản được chọn đục đẽo những thân cây thành các biểu tượng A Ponl đặc trưng phục vụ lễ hội. Điểm đặc biệt trong lễ hội A Riêu Ping của người Pa Cô khác với người Tà Ôi, Cơ Tu, chính là có những vị khách không mời mà đến “Âr Dooc” người Pa cô thường nói: Không có nghững vị khách Âr Dooc thì xem như không có lễ hội A Riêu Ping.
Người Pa Cô, huyện A Lưới từ lâu vẫn giữ phong tục truyền thống kì lạ là “Táng treo”, cứ đến dịp Ariêu Ping, họ khai quật mộ người thân lên và lấy xương cốt đưa vào trong những cái hòm được làm bằng gỗ hoặc bằng đất nung gọi là “A Pổ” rồi đặt tất cả các hòm nằm trên mặt đất trong khu nhà mồ của dòng họ. Tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình, thôn, bản mà lễ hội Ariêu Ping được tổ chức từ 03 năm đến 05 năm một lần, hoặc theo định kỳ 10, 20 năm nhằm tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ đến những người đã khuất, qua đó khơi dậy những nét đẹp văn hóa tâm linh đã ăn sâu vào tiềm thức của bao người dân từ xa xưa và đây cũng là dịp để tụ họp con cháu trong các dòng họ và thôn bản.
 
Công đoạn làm cây Nêu
Cùng như các dân tộc khác, người Pa Cô luôn có tấm lòng tôn kính với những người thân trong dòng họ đã khuất, với một tập tục khá đặc biệt, là sau khi cải táng người thân, thì người dân trong làng sẽ bị cấm đến khu nghĩa địa để viếng mộ, kể cả người nhà cũng không được tới, nếu ai đến mà để người làng bắt được thì họ sẽ bắt vạ và đưa ra trước làng để chịu tội, tùy theo ý kiến của chủ khu mộ mà có cách phạt với hình thức nặng, nhẹ khác nhau, bình thường thì phạt nhẹ cũng phải làm mâm cúng với một con heo lớn, một con gà và hai chai rượu, còn phạt nặng thì bắt người vi phạm phải xây lại Piêng mới và bỏ tiền ra để người làng tổ chức lại lễ cải táng cho khu mộ vừa bị xâm phạm, đó là câu chuyện trước đây (năm 1986 trở về trước), còn hiện tại bây giờ thì không còn hiện tượng này nữa. Ngày xưa các khu nhà mồ thường ở khu rừng nguyên sinh xa làng bản ít người lui tới, nên khác với người Kinh người Pa Cô vốn rất sợ ma, nên hiểu lý do vì sao khi phát hiện có người xâm phạm khu nhà mồ của người đã khuất thì họ sẽ bắt về phạt tội, với quan niệm cho rằng sự xâm phạm đó sẽ gây nên tai họa, bệnh tật cho gia đình và dòng họ của mình.
 
Công tác chuẩn bị cho khu nhà Ping
Ông Hồ Văn Ngoan, Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện A Lưới cho biết, việc đặt nhà mồ cũng phải tuân theo thứ tự, Nhà mồ của chủ làng được đặt ở ví trí đầu tiên, kế theo là các dòng họ của làng. Địa điểm đặt nhà mồ đặt ở gần các con suối có nước chảy quanh năm. Theo quan niệm của người Pa Cô, việc đặt nhà mồ ở đó để những người đã khuất luôn mát mẻ và thuận lợi trong làm ăn ở thế giới bên kia. Phía trước nhà mồ được trang trí bằng các họa tiết hình truyền thống với gam màu chủ đạo là đỏ, đen và trắng. 
Theo nghi lễ truyền thống, các già làng, trưởng họ, chủ gia đình báo cáo với các vị thần linh tiến hành những nghi thức quan trọng linh thiêng lo việc cho nhà mồ, sau đó trai làng thay nhau đánh chiêng, đánh trống và nhảy múa, ca hát suốt ngày đêm, gọi là "đánh trống, chiêng "nuôi" người đã khuất". Để tỏ lòng tôn kính, những người đến dự lễ cũng tham gia vào các màn nhảy múa. Có những lúc đoàn "vũ công" lên đến cả trăm người. Họ vừa nhảy, vừa hát. cứ thế, cuộc múa hát kéo dài cho đến ngày thứ ba thì dân làng và khách mời cũng như khách thập phương cùng tham gia vào lễ đâm trâu. Trong các lễ hội lớn của các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, đâm trâu là một nghi lễ trọng tâm và quan trọng nhất của lễ hội, như Lễ hội A Riêu Ping, lễ hội A Riêu Car. Ý nghĩa của nghi lễ đâm trâu là nhằm để giải quyết những khó khăn, mâu thuẫn trước đây và khẳng định khối đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai làng. Đồng thời, để tạ ơn các vị giàng, thần linh ban tặng cho con cháu sức khỏe, trí thông minh, đem lại cho con cháu cuộc sống sung túc, an lành, hạnh phúc. Theo tục lệ cũ, mỗi dòng họ trong làng bắt buộc phải có một con trâu lớn cúng lễ, nay thực hiện theo nếp sống mới, việc tổ chức lễ hội cũng có sự thay đổi, tránh lãng phí, tốn kém, theo đó, các họ tộc tùy theo khả năng có thể tế trâu, bò hoặc dê đều được.
A Riêu Ping là  một lễ hội thể hiện tính nhân văn sâu sắc giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và vũ trụ “vạn vật hữu linh” cùng sống, cùng che chở và cùng phát triển. Đây là tập tục truyền thống thể hiện sự tôn kính, hiếu nghĩa của người đang sống với những người đã khuất, hình thức tổ chức lễ hội còn thể hiện sự đoàn kết gắn bó huyết thống trong cộng đồng dân cư, cùng chung tay xây dựng bản làng no ấm, phồn vinh và hạnh phúc.
 
Bài và ảnh Hằng Nguyễn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.