Thay mặt Ban Tổ chức Cuộc thi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà và Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn trao thưởng cho tác giả Lê Thọ
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Dự hội thảo còn có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể của Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học. Các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Điểu K"ré, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có đồng chí Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Phan Xuân Toàn, UVTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; đại diện Thường trực các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và lãnh đạo Ban Dân vận các huyện ủy, thị ủy, thành ủy Huế. Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: 70 năm đã trôi qua, song tác phẩm “Dân vận” vẫn vẹn nguyên những giá trị thời sự, thể hiện rõ tư tưởng lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Với bề dày tri thức và kinh nghiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nội dung, nhiệm vụ và phương pháp đối với cán bộ làm công tác dân vận, đồng thời, cũng chỉ ra những lệch lạc, yếu kém trong công tác vận động quần chúng. Qua 70 năm Đảng ta thực hiện đường lối của Người về công tác dân vận, có thể thấy rõ vai trò, sự đóng góp to lớn của công tác dân vận trong những chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Hội thảo có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần hoàn thành những chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra..
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế
Tại hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung tham luận về các vấn đề: Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn cho công tác dân vận hiện nay; Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tác phẩm dân vận; “Dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn; Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua bài báo “Dân vận” trong việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân; Quân đội nhân dân Việt Nam - 70 năm thực hiện lời dạy trong bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm hay cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác vận động nhân dân ở các địa phương, cơ quan, đơn vị. Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh: Bài báo “Dân vận” của Bác Hồ là một tác phẩm tiêu biểu cả về lý luận và thực tiễn, là “cương lĩnh” về công tác dân vận của Đảng, là cẩm nang chỉ dẫn công tác dân vận của cán bộ, đảng viên trong mọi giai đoạn cách mạng. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận, đồng chí Thường trực Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội cần thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Gắn học tập bài báo “Dân vận” của Bác với phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” và “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đồng thời, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận ở từng địa phương, đơn vị để tạo sự đồng thuận trong xã hội; đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền trong các cơ quan nhà nước, nhằm nâng cao nhận thức, năng lực, trách nhiệm của các cấp chính quyền, của cán bộ công chức, viên chức đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Tiếp tục thực hiện quy chế dân chủ cơ sở thực sự đi vào chiều sâu; phát huy dân chủ rộng rãi trong Đảng và nhân dân; gắn thực hiện quy chế dân chủ cơ sở với công tác cải cách hành chính. Dịp này, Ban Tổ chức đã trao giải cho 50 tác phẩm lọt vào vòng chung kết cuộc thi viết về “Dân vận khéo”. Trong đó, có 19 tác phẩm báo in, 8 tác phẩm báo điện tử, 15 tác phẩm báo hình, 8 tác phẩm báo nói. Đây là những tác phẩm tiêu biểu về nội dung và hình thức, phản ánh chân thực những điển hình, kinh nghiệm hay trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Tại thể loại báo in, tác phẩm “Xác định địa giới hành chính giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Trị: Lấy người dân làm chủ thể, đảm bảo đời sống dân sinh” (3 kỳ) của tác giả Lê Thọ - Phan Thành (Báo Thừa Thiên Huế) đã được chọn vào vòng chung kết.