Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, người chiến sỹ cộng sản lỗi lạc, sinh thời, Người đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đã tròn nửa thế kỷ Người đi về thế giới người hiền nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vẫn sống mãi cùng với non sông đất nước, như Fidel Castro đã viết để tưởng niệm Người: "Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc về một lớp người đặc biệt mà cái chết lại gieo mầm cho sự sống, đời đời bất diệt". Một trong những di sản tinh thần quý báu mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta là bản Di chúc, một văn kiện lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn không chỉ trong giai đoạn cách mạng đã qua mà còn cho cả những chặng đường sắp tới của cách mạng Việt Nam. Kết tinh trong đó tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao thượng của vị lãnh tụ vĩ đại, người Việt Nam bình dị mà cao quý Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Di chúc thiêng liêng của Người trở thành nguồn động viên, cổ vũ hết sức to lớn, dẫn đường chỉ lối để quân và dân Việt Nam tiến lên giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo.
50 năm thực hiện Di chúc của Người, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế trong từng giai đoạn lịch sử đã hoàn thành sứ mệnh "biến đau thương thành hành động cách mạng" giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; nỗ lực hàn gắn những vết thương chiến tranh, hoạch định những chủ trương chính sách để nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn di sản, môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng xã hội học tập, để Cố đô Huế trở thành thành phố "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường" như hôm nay. Càng tự hào hơn khi Thừa Thiên Huế là nơi vinh dự gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt hơn 10 năm trong thời niên thiếu, nơi đã “hình thành nên con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, … một con người lạ lùng, với những ý tưởng lạ lùng, đưa đến những thành tựu lạ lùng”. Cho đến hôm nay, ở Thừa Thiên Huế những di tích, địa danh như làng Dương Nỗ, đường Mai Thúc Loan, trường Quốc Học, núi Bân, Tòa Khâm sứ Trung kỳ… đã đi vào tâm thức nhiều thế hệ, để nhắc nhở chúng ta ngày hôm nay sống, lao động, học tập… xứng đáng với tình cảm mà Người dành cho Thừa Thiên Huế.
Nhằm tiếp tục thảo luận, trao đổi những giá trị lý luận của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực tiễn thực hiện Di chúc trong suốt 50 năm qua tại Thừa Thiên Huế. Ban Tổ chức Hội thảo đã giới thiệu 51 bài viết của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, giảng viên, cán bộ chuyên môn đến từ các sở ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, các bảo tàng trong và ngoài Tỉnh. Đồng thời tập trung thảo luận các nội dung về bối cảnh ra đời, quá trình Chủ tịch Hồ chí Minh viết, sửa chữa, bổ sung vào bản Di chúc; Phân tích những giá trị lý luận và thực tiễn những nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Di chúc; Những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đã đạt được qua 50 năm thực hiện Di chúc; Phân tích những kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị; công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế; đề xuất những giải pháp, cách làm có hiệu quả trong thực hiện Di chúc trong giai đoạn hiện nay.