Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh vừa được nhận giải thưởng Viễn thông châu Á ở hạng mục dự án Thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á
Những kết quả quan trọng
Quá trình thực hiện cho thấy, công tác cải cách thể chế được quan tâm thực hiện nghiêm túc, thường xuyên. Duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Tỉnh đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) để phục vụ tốt nhất nhu cầu của tổ chức, công dân trên địa bàn. Đặc biệt, với sự hình thành và đưa vào hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 9 Trung tâm Hành chính công các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh vào đầu năm 2018, việc tiếp nhận và giải quyết TTHC cho các tổ chức, cá nhân đã có nhiều đột phá, được đông đảo Nhân dân đồng tình ủng hộ.ư
Công tác cải cách tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được chú trọng. Tỉnh thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, quy định lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị theo hướng ngày càng hợp lý. UBND tỉnh đã phê duyệt phương án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ và 2 ban trực thuộc Sở Nội vụ, qua đó giảm được 5 đơn vị cấp phòng thuộc sở và 2 đơn vị cấp phòng thuộc ban. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đã tiến hành sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập đảm bảo tinh gọn bộ máy và ngày càng hoạt động hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt việc bố trí CCVC theo danh mục vị trí việc làm đã được phê duyệt; qua đó, phát huy được năng lực, sở trường công tác và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC trên địa bàn. Thường xuyên chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC theo nhu cầu công việc và vị trí việc làm theo kế hoạch hàng năm. Thực hiện thí điểm việc thi tuyển lãnh đạo cấp sở theo nguyên tắc cạnh tranh và đã bổ nhiệm các chức danh Phó Giám đốc Sở Công thương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp sau khi trúng tuyển tại các kỳ thi.
UBND tỉnh tiếp tục hiện đại hóa nền hành chính công, cải tiến mạnh mẽ lề lối, tác phong quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh luôn xác định đẩy mạnh CCHC gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Đưa chính quyền và người dân đến gần nhau hơn
Để tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác CCHC, đồng thời tạo sự bứt phá và lan tỏa đến mọi người dân, nâng cao chất lượng phục vụ của nền hành chính, tỉnh xác định CNTT vừa là công cụ hữu hiệu, vừa là đòn bẩy không thể tách rời với quá trình CCHC. Đây là cơ sở khoa học để tỉnh đề ra chủ trương thực hiện CCHC gắn với phát triển CQĐT, ĐTTM trong thời gian qua.
Xây dựng và phát triển ĐTTM là trăn trở và tâm huyết của lãnh đạo tỉnh từ nhiều năm qua. Nền tảng quan trọng để tỉnh hướng đến xây dựng ĐTTM là hình thành CQĐT. Vì vậy, quá trình xây dựng CQĐT đã được tỉnh quan tâm và triển khai mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây và đã mang lại những kết quả nhất định. Phát triển ĐTTM đã và đang trở thành xu thế tất yếu, là một cuộc cách mạng về quản lý đô thị của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhận thức tầm quan trọng của xu thế này, bên cạnh việc đưa ra định hướng phát triển, tỉnh đã triển khai những bước đi ban đầu, chú trọng việc xây dựng CQĐT làm nền tảng để phát triển ĐTTM.
Tỉnh đã xây dựng đề án “Phát triển dịch vụ ĐTTM trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” với mục tiêu: "Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp thông qua việc áp dụng CNTT và truyền thông để hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người dân, doanh nghiệp quan tâm như: Y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, môi trường; đảm bảo mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện”. Việc phát triển dịch vụ ĐTTM là hướng đến việc quản lý đô thị tinh gọn, bảo vệ môi trường hiệu quả, tăng cường việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; phấn đấu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp cận với các thành phố thông minh hiện đại trong khu vực và thế giới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và du lịch. Quan điểm phát triển dịch vụ ĐTTM là lấy người dân làm trung tâm; doanh nghiệp làm động lực; Nhà nước kiến tạo.
CCHC gắn với ứng dụng CNTT, với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, thời gian qua, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để xây dựng một chính quyền phục vụ, một ĐTTM, trở thành đơn vị dẫn đầu toàn quốc về phát triển chính phủ điện tử cấp tỉnh. Mặc dù không phải là một địa phương có tiềm lực tài chính dồi dào để đầu tư thật lớn cho CNTT, nhưng với những cách làm mới mẻ, sáng tạo, cùng với quyết tâm chính trị cao, Thừa Thiên Huế đã gặt hái nhiều thành công bước đầu rất đáng trân trọng.
Tỉnh đem những ứng dụng thông minh vào quản lý là để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nhưng cũng phải nâng cao giá trị di sản lịch sử, văn hóa của vùng đất Huế. Những giá trị đó không thay đổi nhưng chất lượng phục vụ ngày càng cao hơn là điều hướng tới. Chúng ta sẽ vẫn thấy một hình ảnh của Huế cổ kính, êm đềm, thân thiện, vẫn là Cố đô nhưng chất lượng dịch vụ tốt hơn và thuận lợi cho người dân trong phát triển về mọi mặt như kinh tế, đời sống… và cả nhu cầu hưởng thụ.
Với những nỗ lực triển khai tích cực, hiệu quả trong thời gian qua, Dự án Trung tâm điều hành đô thị thông minh của tỉnh vừa đạt giải thưởng Viễn thông châu Á ở hạng mục dự án Thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á. Đây là niềm vinh dự lớn lao của lãnh đạo tỉnh trong hoạt động quản trị, điều hành và phục vụ Nhân dân, đồng thời là kết quả tất yếu và khẳng định bước đi đúng đắn của tỉnh trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động CCHC; xây dựng CQĐT, phát triển dịch vụ ĐTTM để nâng cao chất lượng hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước trong thời đại công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ nỗ lực hơn nữa, tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và nhất là sự góp ý, hiến kế của cộng đồng người dân để tiếp tục đẩy mạnh CCHC, gắn với phát triển mạnh mẽ dịch vụ ĐTTM; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, vừa là người thụ hưởng, vừa là đối tượng đóng góp nâng cao chất lượng dịch vụ. Đây là mục tiêu quan trọng nhất trong xây dựng CQĐT, phát triển thành phố thông minh của tỉnh.